Hội thi Tiếng hát giáo viên-học sinh ngành GD&ĐT:
Cuộc giao lưu rực rỡ sắc màu
Hội thi Tiếng hát giáo viên - học sinh ngành GD&ĐT Bình Định năm 2014 vừa diễn ra là một sân chơi thiết thực, góp phần xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Nhiều đơn vị đã dàn dựng chương trình công phu, được đông đảo người xem hoan nghênh.
1.
Hội thi Tiếng hát giáo viên - học sinh ngành GD&ĐT Bình Định năm 2014 được tổ chức nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2013 - 2014. So với lần trước, Hội thi năm nay có sự lan tỏa rộng hơn với sự tham gia của 11 phòng GD & ĐT, 51 trường THPT, 10 Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (GDTX-HN) và các đơn vị trực thuộc Sở GD & ĐT. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Hội thi là hoạt động phong trào lớn của ngành được tổ chức hai năm một lần, nên trường chúng tôi luôn quan tâm. Nhận được thông báo tổ chức Hội thi vào tháng 10.2013, trường đã sớm xây dựng kế hoạch, dàn dựng chương trình tham gia”.
72 đơn vị đã huy động gần 2.000 cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tập luyện 212 tiết mục tham gia Hội thi. Phần lớn các tiết mục đều được đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng nghệ thuật, tạo nên sự đồng đều trong Hội thi. Trong số 7 giải toàn đoàn khối các trường THPT, ngoài các đơn vị có truyền thống phong trào văn nghệ phát triển mạnh ở Quy Nhơn như các trường Hùng Vương (giải Nhất), chuyên Lê Quý Đôn và Chu Văn An (cùng đoạt giải Nhì), Trần Cao Vân (giải Ba) còn có nhiều đơn vị ở các huyện như Số 1 Tuy Phước, An Lương, PTDTNT Vĩnh Thạnh (cùng đoạt giải Ba).
Phòng GD & ĐT huyện Phù Mỹ đã gặt hái thành công trong Hội thi năm nay khi đoạt giải Nhất toàn đoàn khối Phòng GD & ĐT. Cùng có nhiều nỗ lực dàn dựng chương trình tham gia và đoạt thành tích cao hơn Hội thi lần trước là Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn với giải Nhất toàn đoàn khối Trung tâm GDTX-HN và các đơn vị trực thuộc Sở GD & ĐT.
2.
Theo đánh giá chung của Ban giám khảo Hội thi, lực lượng cán bộ, giáo viên, học sinh đã có sự tiếp cận và thể hiện tốt khả năng cảm thụ âm nhạc qua các chương trình biểu diễn. Ngoài những giọng ca tiếp tục khẳng định mình như Trần Thị Việt Hoa (THPT Hùng Vương, giải Nhất đơn ca đã thể hiện xuất sắc ca khúc Con cò; Lê Duy Sang (Phòng GD & ĐT huyện Hoài Nhơn, giải Nhất đơn ca) thể hiện khá truyền cảm ca khúc Tổ quốc gọi tên mình; Nguyễn Thị Thanh Hà (THPT chuyên Lê Quý Đôn, giải Nhất đơn ca) cuốn hút người nghe với ca khúc Cô dân quân làng Đỏ… Hội thi còn tạo điều kiện cho nhiều giọng ca hay khác thể hiện như Phạm Văn Hào (Phòng GD & ĐT huyện Phù Cát, giải Nhì đơn ca) với ca khúc Linh thiêng Việt Nam; Mai Bảo Ý (Phòng GD & ĐT huyện Tây Sơn, giải Nhì đơn ca) với ca khúc Nơi ta viết tình ca…
Hơn 1/3 đơn vị tham gia Hội thi, đã dàn dựng tiết mục hướng về chủ đề biển đảo quê hương trong chương trình của mình. Những tiết mục này góp phần tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước cho cán bộ, giáo viên, học sinh và khán giả. Trường THPT Nguyễn Du (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) dành trọn chương trình tuyên truyền cho chủ đề này với 3 tiết mục hát múa Chung lòng bám biển, Linh thiêng Việt Nam, Tổ quốc nhìn từ biển. Trường THPT Nguyễn Diêu (Tuy Phước) dàn dựng hai tiết mục dự thi đều hướng về Trường Sa. Anh Nguyễn Hoàng Phong (giải Khuyến khích đơn ca), học viên Trung tâm GDTX-HN huyện Vân Canh, tâm sự: “Chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa, nhưng được tuyên truyền nhiều về chủ quyền biển, đảo của đất nước đã tạo cho tôi cảm xúc thể hiện ca khúc Nhớ đêm Trường Sa với những lời ca hay như Trường Sa bao lần tôi đến. Mênh mông biển mặn thầm thì. Người lính ngày đêm giữ đảo. Khoảng trời riêng là một bản tình ca…”.
Ngoài lực lượng cán bộ, giáo viên, nhiều học sinh cũng đã lựa chọn ca khúc dự thi để bày tỏ tình cảm đối với quê hương đất nước. Lê Thị Hồng Hiếu (giải Khuyến khích đơn ca), học sinh lớp 12 A5 Trường THPT Hoài Ân, đã để lại ấn tượng đẹp cho khán giả khi thể hiện khá tốt ca khúc Bài ca thống nhất vốn khó thể hiện đối với những giọng ca không chuyên. “Tôi đã chọn Bài ca thống nhất dự thi vì rất thích “những bài ca đi cùng năm tháng” thể hiện tình yêu, sự tự hào về quê hương, đất nước”, Hồng Hiếu tâm sự.
Nhiều người tham gia Hội thi cho biết, việc được đứng trên sân khấu của sân chơi văn nghệ quần chúng có quy mô lớn nhất của ngành GD&ĐT đã giúp họ thêm tự tin, tạo sự gắn kết hơn giữa giáo viên với học sinh, đồng nghiệp, bạn bè. Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi tạo điều kiện cho học sinh khiếm thính ở nhiều lứa tuổi tham gia biểu diễn múa trong Hội thi; giúp các em thể hiện được năng khiếu, thêm tự tin và nâng cao hơn năng lực giao tiếp”.
HOÀI THU