Cần quản lý chặt dịch vụ cho thuê xe máy
Vài năm trở lại đây, khi Bình Định ngày càng có nhiều du khách đến tham quan thì cũng là lúc xuất hiện nhiều dịch vụ, trong đó, có dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp phục vụ nhu cầu đi lại của du khách. Tuy nhiên, ở dịch vụ này cũng còn nhiều chuyện đáng nói, cần được các cơ quan chức năng quan tâm.
Khách nước ngoài thuê xe đạp tại một điểm cho thuê xe tự phát trên đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Hiện nay, nhiều du khách đến Bình Định du lịch có nhu cầu thuê xe để đi lại trong TP Quy Nhơn hoặc dã ngoại đến những điểm du lịch ở các huyện, thị xã. Một chiếc xe đạp được cho thuê với giá 20.000 đồng/ngày, còn xe máy thì từ 70 - 100 ngàn đồng/ngày. Thủ tục thuê xe rất đơn giản. Với khách Việt, chỉ cần có chứng minh nhân dân và hộ khẩu (hoặc có người bảo lãnh), còn khách nước ngoài chỉ cần có hộ chiếu, biết số phòng ở khách sạn là có thể thuê thoải mái, không cần hợp đồng. Chính sự đơn giản này đã nảy sinh nhiều chuyện liên quan đến việc thuê xe và cho thuê xe.
Đã có một số du khách ngoại quốc khi có nhu cầu đi lại, đã đến thuê xe và chỉ đưa hộ chiếu mà không bị yêu cầu thêm điều kiện gì khác (như bằng lái), trong khi họ lại không có kinh nghiệm đi xe máy, chưa quen với môi trường giao thông ở Việt Nam nên đã gây tai nạn cho người khác hoặc tự gây tai nạn cho mình. Ngoài ra, khi cho du khách ngoại quốc thuê xe, nhiều chủ xe còn gặp phải cảnh dở khóc dở cười. “Tháng trước, một ông Tây đến thuê xe máy để đi huyện Tây Sơn tham quan Bảo tàng Quang Trung, hẹn chiều về, nhưng đến tối vẫn không thấy ông ấy mang xe trả. Khi gặp được khách hỏi về xe thì được nghe trả lời gọn lỏn: xe không nổ được, bỏ lại trên đó rồi. Tá hỏa, tôi đành tức tốc chạy lên Tây Sơn liên hệ lấy xe về” - anh Thanh Nhơn, một người cho thuê xe trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, kể.
Còn anh V., chủ một điểm cho thuê xe máy trên đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, kể lại: “Một lần, tôi cho khách nước ngoài thuê xe qua sự bảo lãnh của một người quen làm du lịch. Khi mang xe về trả, khách yêu cầu tôi phải đưa tiền vì xe hư bình xăng con, ông ấy phải sửa mất 500 ngàn đồng. Thì ra, ông khách bị một thợ sửa xe “chặt đẹp”, tôi giải thích thế nào ông ấy cũng không chịu nên đành phải trả một nửa số tiền sửa xe”.
Việc giao dịch cho thuê xe dù đối với khách nội hay ngoại quốc chỉ là thỏa thuận giữa hai bên. Vì vậy không ít sự cố đã xảy ra như khách làm mất xe, đi xe gây tai nạn, hư hỏng… khiến hai bên đôi co, đã có trường hợp phải đưa nhau ra tòa án giải quyết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hàng chục điểm cho thuê xe máy, xe đạp. Tuy nhiên, đây đều là những cơ sở hoạt động tự phát, chưa được cấp phép. Chính vì vậy, việc quản lý hay giải quyết khi xảy ra các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc cho thuê xe là rất khó khăn. Cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch vụ cho thuê xe, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.
THIÊN TRÚC