Tăng cường công tác quản lý tài liệu điện tử
Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và thực tế ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức (CQ-TC), đã sản sinh ra một loại hình tài liệu là tài liệu điện tử (TLĐT). Hiện các vấn đề như thu thập, xác định giá trị tài liệu, bảo quản, tổ chức khai thác sử dụng TLĐT đang là cơ hội và cũng là thách thức…
Cơ hội và thách thức
Dưới góc độ quản lý nhà nước, sự ra đời của TLĐT đã làm cho hoạt động quản lý và công tác hành chính trở nên nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm hơn. Đó là ưu thế chu chuyển văn bản nhanh chóng trong môi trường điện tử; sự kết nối trong cùng một CQ-TC hoặc giữa các cơ quan nhà nước với nhau có thể cách xa về địa lý nhưng đảm bảo được quá trình giải quyết văn bản, tìm kiếm và xử lý thông tin văn bản nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Đảm bảo việc quản lý văn bản từ khi chúng được sản sinh ra đến khi chuyển giao vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử (vòng đời của tài liệu).
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích của TLĐT, các CQ-TC cũng phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn trong hoạt động quản lý, như sự phụ thuộc vào máy móc, chương trình vì TLĐT là tài liệu đọc bằng máy, tồn tại trong môi trường mạng. TLĐT chỉ có thể sử dụng được với sự trợ giúp của máy tính. TLĐT luôn có nguy cơ bị hủy hoại toàn bộ khi có sự trục trặc về máy móc (phần cứng) hay do sự xâm nhập của virus (phần mềm). Tính pháp lý của TLĐT hiện nay là một thách thức lớn đối với nền hành chính và là rào cản đối với vấn đề đưa TLĐT trở nên thông dụng trong cuộc sống và thay thế hoàn toàn tài liệu giấy.
Chữ ký số hiện nay cũng đã được sử dụng trong giao dịch điện tử, nhưng xung quanh vấn đề sử dụng chữ ký số cũng còn nhiều bất cập. Như độ an toàn, mật mã chữ ký số có thể bị đánh cắp, có thể bị chuyển giao cho người khác; vấn đề sao chép thông tin TLĐT cũng là một thách thức, bởi có thể sửa đổi nội dung TLĐT hoặc sao chép mà hoàn toàn không để lại dấu vết; vấn đề bản chính, bản gốc và bản sao không còn tồn tại đối với nguồn TLĐT khi xem xét tính pháp lý của nó. Đây thật sự là một mối đe dọa lớn đối với tính an toàn thông tin của nguồn tài liệu tồn tại trong môi trường điện tử.
Một số giải pháp
Luật Lưu trữ đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11.11.2011, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2012, trong đó tại Điều 13 quy định quản lý tài liệu lưu trữ điện tử là tài liệu được tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động ở các CQ-TC, cá nhân được lựa chọn để lưu trữ hoặc được số hóa từ tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác. Ngày 3.1.2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ. Theo đó, TLĐT hình thành trong quá trình hoạt động của CQ-TC phải được lập hồ sơ, lựa chọn và bảo quản theo nghiệp vụ lưu trữ và kỹ thuật CNTT trong hệ thống quản lý TLĐT phải đảm bảo các yêu cầu có tính xác thực, toàn vẹn, nhất quán, an toàn thông tin, có khả năng truy cập ngay từ khi tài liệu được tạo lập.
Thực hiện Luật Lưu trữ và Nghị định số 01/2013/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1894/UBND-NC ngày 24.5.2013 về việc triển khai Nghị định 01 và đã tổ chức hội nghị tập huấn quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, gồm các nội dung: Các khái niệm, nội dung liên quan đến TLĐT và lưu trữ điện tử; việc ứng dụng CNTT trong công tác văn thư, lưu trữ của các CQ-TC; công tác thu thập, bổ sung tài liệu lưu trữ điện tử, xác định giá trị tài liệu lưu trữ và TLĐT, hủy TLĐT hết giá trị…
Sử dụng văn bản điện tử (VBĐT) là xu hướng tất yếu của các CQ-TC hiện nay. VBĐT được hình thành song song với văn bản giấy và dần chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với văn bản giấy đã đặt ra vấn đề quản lý TLĐT và lưu trữ điện tử. Dưới đây là một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa việc quản lý TLĐT của các CQ-TC:
- Các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các văn bản quy định bắt buộc thực hiện quản lý, điều hành công việc, trao đổi VBĐT qua mạng trong quy trình giải quyết công việc của cơ quan và làm các căn cứ hướng dẫn nghiệp vụ quy định về thủ tục và các quy trình nghiệp vụ quản lý, xử lý TLĐT trong hoạt động của các CQ-TC.
- Quy định về lập hồ sơ điện tử và giao nộp hồ sơ TLĐT vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử các cấp.
- Hướng dẫn về xác định giá trị TLĐT và hủy TLĐT của các cơ quan, tổ chức.
- Các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng đề án quản lý TLĐT và triển khai thực hiện đề án khi đã được duyệt nhằm đáp ứng quá trình quản lý TLĐT.
- Đẩy mạnh việc đổi mới quy trình công tác và lề lối làm việc của các CQ-TC trong việc ứng dụng CNTT, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc quản lý TLĐT.
- Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, xác định những công việc cần làm để quản lý TLĐT và khai thác, sử dụng TLĐT.
Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, sự ra đời của Luật Lưu trữ và Nghị định 01 của Chính phủ nhằm tăng cường sử dụng VBĐT và quản lý TLĐT trong các CQ-TC như một hoạt động cải cách hành chính chuyển từ phương thức làm việc chủ yếu dựa trên giấy sang phương thức làm việc qua mạng với VBĐT. Trong đó về quản lý TLĐT và lưu trữ điện tử được xem là vấn đề có tính tất yếu, khách quan trong hoạt động quản lý của các CQ-TC. Điều này đặt ra yêu cầu trách nhiệm của thủ trưởng các CQ-TC và sự phối hợp chặt chẽ của các nhà quản lý, các chuyên gia CNTT, những người làm công tác hành chính và công tác lưu trữ tích cực định hướng tiếp cận TLĐT theo phương thức mới -hiện đại.
PHAN MINH LÝ
(Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ)