Công khai rao bán phần mềm theo dõi điện thoại!
Phần nhiều các loại điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh sử dụng các hệ điều hành: iOS, Windows phone, Android… đều có thể bị cài đặt phần mềm theo dõi để trộm cắp thông tin. Đời tư của người sử dụng ĐTDĐ thông minh ngày càng dễ bị xâm phạm bởi các phần mềm nghe lén điện thoại được rao bán công khai trên mạng.
Các phần mềm theo dõi điện thoại đang được rao bán rộng rãi trên mạng gồm: Amaza Tracker, Spyphone, Copyphone, Mobile Spy, có xuất xứ từ nước ngoài, tương thích với hầu hết các loại hệ điều hành phổ biến với giá bán từ 2 triệu đồng cho tới hàng chục triệu đồng. Nếu ở xa, bên mua chỉ cần chuyển khoản, bên bán sẽ gửi đường dẫn tới phần mềm và mã cài đặt để cài lên máy đối tượng muốn theo dõi.
Sau khi được cài đặt vào điện thoại, các phần mềm này sẽ bí mật ghi âm lại cuộc gọi, sao chép nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, định vị GPS… và gửi đến tài khoản trực tuyến của người theo dõi thông qua kết nối Internet. Người theo dõi chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của mình từ bất kỳ nơi đâu là có thể xác định được vị trí của điện thoại trên bản đồ Google Maps, nghe nội dung đàm thoại, hay đọc toàn bộ tin nhắn được thực hiện trên điện thoại bị theo dõi. Một số loại phần mềm gián điệp còn có thể theo dõi cả tin nhắn, cuộc gọi miễn phí trên Line, Viber, Facebook, Yahoo…
Dù bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tiếp tay cho hành vi vi phạm Điều 125 Bộ luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”, nhưng loại phần mềm này vẫn được rao bán công khai trên các website rao vặt và trên website của một số doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với địa chỉ, số điện thoại liên hệ cụ thể.
Chuyên gia của Trung tâm An ninh mạng BKAV khuyến cáo, rất khó để có thể phát hiện điện thoại đã bị cài đặt phần mềm nghe lén. Khi gọi đi và gửi tin nhắn, điện thoại sẽ lưu tin đã gửi và cuộc gọi đi nhưng phần mềm nghe lén sẽ tự động xóa nên người bị theo dõi không thể phát hiện được.
Tuy nhiên, khi gửi tin và gọi điện, ĐTDĐ đã bị tính phí. Vì vậy, cước phí hàng tháng của người bị hại có thể tăng gấp 2-3 lần. Đây là dấu hiệu bất thường mà người sử dụng ĐTDĐ nên chú ý. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người dùng không nên tự ý cài đặt các phần mềm lạ trên mạng, không truy cập đường link trong tin nhắn do số máy lạ gửi đến. Bên cạnh đó, người dùng ĐTDĐ nên cài mật khẩu, không nên cho người khác mượn máy điện thoại…
HIỀN MAI