KỶ NIỆM 59 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2014)
Khi cả nhà làm bác sĩ
Nhiều người nói vui, một trong những điều cần tránh trong hôn nhân là vợ chồng làm cùng nghề, làm cùng cơ quan thì càng tối kỵ. Thế nhưng, có một thực tế trong ngành Y tế là số cặp vợ chồng cùng nghề chiếm số lượng không nhỏ. Bên cạnh đó, hiện tượng “cha truyền con nối” cũng khá phổ biến.
Đồng hành
Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh và cử nhân Nguyễn Phúc Như Hà, phụ trách khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa kết hôn từ năm 1991. Hai năm sau, anh chị sinh con đầu lòng, bắt đầu giai đoạn khó khăn, bởi ai cũng phải thường xuyên trực đêm. Đêm nào có mẹ ở nhà còn đỡ, chứ mẹ bận trực thì ba phải “cầu cứu” bà ngoại. Năm 1997, chị bắt đầu học đại học ở TP Hồ Chí Minh. Lúc này, con gái Đỗ Phúc Như Nguyện 4 tuổi, con trai Đỗ Phúc Nguyên mới 2 tuổi. Một năm sau, anh cũng khăn gói ra Huế học chuyên khoa 1. Anh Thanh bảo, đó chính là thời điểm khó khăn nhất của gia đình.
Tuy việc cơ quan bận bịu, nhưng chị Hà vẫn chu toàn trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Anh Thanh rất tự hào về khoản “bếp núc” của vợ, khẳng định bà xã là đầu bếp “number one”. “Vượt qua những vất vả ban đầu, chúng tôi nhận ra việc vợ chồng cùng nghề cũng có nhiều cái lợi. Vợ chuyên về cận lâm sàng, làm việc ở phòng xét nghiệm, tôi lại chuyên về lâm sàng. Trong câu chuyện hằng ngày ở nhà có cả những vấn đề chuyên môn, giúp chúng tôi học hỏi, bổ khuyết cho nhau”, anh Thanh cho hay.
Cùng chung “cảnh ngộ”, vợ chồng bác sĩ Trần Thúc Khả (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát) - bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát) cũng từng trải qua quãng thời gian khó khăn khi con còn nhỏ. Trước đây, anh Khả làm ở hồi sức cấp cứu, chị Hoa làm khoa sản, cả hai đều hay đi sớm về khuya, giờ giấc không ổn định. Ai xong ca trực thì phải tranh thủ về sớm chăm con, con gái phải thường xuyên ăn cơm nhờ hàng xóm. “Vậy nhưng cũng có cái thuận, như làm cùng nghề, cùng cơ quan, biết mức thu nhập của nhau, để mà “liệu cơm gắp mắm”, thu vén cho cuộc sống gia đình”, anh Khả chia sẻ.
Thời gian gần đây, ngành Y tế trải qua nhiều khó khăn, nhiều sai phạm lớn xảy ra làm đau đầu những người tâm huyết với nghề. Anh Khả chia sẻ, cả 2 vợ chồng đều làm trong ngành, nên nỗi trăn trở cứ như nhân đôi…
Cha truyền con nối
Nhắc đến chuyện con cái, bác sĩ Đỗ Phúc Thanh không giấu giếm niềm tự hào. Anh khoe, cả hai đều đang theo học tại Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, Nguyện là sinh viên năm thứ 3 ngành bác sĩ y học dự phòng, Nguyên đang học năm 1 bác sĩ đa khoa. Từ nhỏ, Nguyện đã thích thú với công việc thầm lặng trong phòng xét nghiệm của mẹ. Nguyên thì hay tò mò, rất thích và học giỏi Sinh học.
“Khi còn học phổ thông, cả 2 đều chưa có ý thức nghề nghiệp rõ ràng. Mình cũng định hướng, nhưng sở thích của con mới là quyết định. Giờ, thấy con càng học càng thích, mới yên tâm là mình không chọn sai. Nguyên trước đây rất sợ ma, tôi cứ lo nó không trụ nổi, nhưng cũng đã bước vào thời gian học giải phẫu bệnh. Còn Nguyện, sau khi đi thực tập ở bệnh viện đã bắt đầu tranh luận cùng ba những vấn đề chuyên môn”, chị Hà chia sẻ.
Tại Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam được Sở Y tế tổ chức vào sáng 26.2, có 7 bác sĩ trong tỉnh được nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Trong đó, có vợ chồng bác sĩ Trần Quốc Việt (Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn) - bác sĩ Trương Thị Loan (Trưởng khoa Nhi, BVĐK khu vực Bồng Sơn). Nhà ở thị trấn Tam Quan, cách nơi làm việc gần chục cây số, anh chị hay đi cùng nhau cho tiết kiệm xăng. Anh ít khi nhắc chuyện nhà, nhưng có lần lại buột miệng kể, đúng hôm cả 2 vợ chồng đều trực, anh về trước, thấy cô con gái nhỏ xíu lui cui cắm cơm ăn để đi học thêm mà ứa nước mắt!
Với vợ chồng bác sĩ Khả, niềm vui lớn nhất cũng là con gái lớn Trần Thanh Khuê học rất giỏi. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm ngoái, Khuê là thủ khoa của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, đồng thời thừa 2 điểm so với điểm trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh. Khuê chọn Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh để tiếp nối truyền thống gia đình. Chú của Khuê là bác sĩ nội trú Trần Thúc Khang, hiện là giảng viên của Trường ĐH Y dược Huế; anh con bác là Trần Thúc Hoàng Nam, sinh viên năm 2 của Trường ĐH Y dược Huế.
Tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Huế năm 2005, bác sĩ Huỳnh Thanh Tuấn về BVĐK tỉnh nhận công tác. Lúc ấy, nhiều người khuyên Trưởng khoa Hồi sức Nội Huỳnh Văn Nhuận không nên cho con trai về khoa của mình. Bởi, Tuấn cần được thử thách và phát triển độc lập. “Nhưng tôi vẫn xin cấp trên cho Tuấn về Hồi sức Nội, vì đây là nơi “đầu sóng ngọn gió”, tập trung những ca bệnh nặng. Một bác sĩ đa khoa mới ra trường phải được trui rèn gần 2 năm ở môi trường này thì mới tiếp cận với hồi sức được”, bác sĩ Nhuận nhớ lại.
Tháng 11.2013, Thầy thuốc Ưu tú Huỳnh Văn Nhuận chính thức nghỉ hưu. Thế nhưng, ông vẫn dõi theo con trai, ông còn rành rẽ cả tính cách những người bạn thân của con. Ông trải lòng: “Với những người hoạt động trong ngành Y, dù ý thức rõ ràng đây là nghề vất vả, nhưng vẫn muốn con mình nối nghiệp. Bởi đơn giản, họ muốn truyền đạt lại cho con mình vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã tích lũy trong quá trình hành nghề”.
Bác sĩ Tuấn vẫn coi cha như “thần tượng” để phấn đấu. Và ngược lại, bác sĩ Nhuận cũng ý thức được rằng, mình phải làm gương cho con, nên càng chuẩn mực hơn trong cách chăm sóc bệnh nhân, đối xử với đồng nghiệp. Ông bảo, truyền thống gia đình đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn y đức…
NGUYỄN VĂN TRANG