Cứu sống một bệnh nhân bị hoại tử hiếm gặp
Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé gái mắc hội chứng Lyell (hoại tử thượng bì nhiễm độc) trong tình trạng rất nguy kịch.
Bệnh nhân nói trên tên là Y Nôn, 11 tuổi, là người dân tộc M’Nông ở xã Đăk Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Theo thông tin từ BVĐK tỉnh Kon Tum, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Kon Tum, UBND xã Đăk Long và người nhà, Y Nôn bắt đầu phát bệnh cách đây 1 tháng. Sau khi điều trị tại Bệnh viện huyện Kon PLong khoảng 10 ngày, bệnh ngày càng nặng, người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà. Khi về nhà, nghe lời thầy cúng, cha mẹ của Y Nôn đã làm một cái chòi cách xa nhà để cho con nằm, không được chăm sóc về y tế nên bệnh ngày càng nặng hơn. Ngày 19.2, Y Nôn được cán bộ địa phương phát hiện đưa đến BVĐK tỉnh Kon Tum, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vào lúc 15 giờ ngày 21.2.
Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Y Nôn được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, đáp ứng chậm, khó thở, nhịp tim 130 lần/phút, thân nhiệt chỉ còn 36,2 độ C, huyết áp tụt khó đo, nhịp thở chỉ còn 12 lần/phút. Đặc biệt, toàn thân lở loét bong vảy trên nền da đỏ thẫm, tiết dịch nhiều, đóng vảy tiết dày, dấu hiệu Nikolsky (+), viêm giác mạc, kết mạc mủ mắt phải, viêm trợt niêm mạc miệng, loét âm hộ.
Trước ca bệnh rất nặng với nguy cơ tử vong cao, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân đã chỉ đạo tập trung tất cả các bác sĩ giỏi, tích cực cứu chữa. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán Y Nôn mắc hội chứng Lyell (hoại tử thượng bì nhiễm độc), nhiễm trùng máu và suy kiệt cơ thể nặng. Ngay lập tức, Y Nôn được cho thở ôxy. Các nhân viên y tế phải rất vất vả để tìm đường truyền nhằm đưa thuốc điều trị đặc hiệu vào cơ thể bệnh nhân. Khoảng hơn 3 giờ sau, huyết động của bệnh nhân bắt đầu trở về bình thường. Ngày hôm sau, Y Nôn đã có thể ăn được cháo loãng, các tổn thương da bắt đầu khô dần, dịch tiết ra giảm hẳn.
Đến chiều tối 26.2, Y Nôn đã có các chỉ số sinh tồn ổn định. Em vẫn được chăm sóc đặc biệt tại phòng cấp cứu. Giữa tấm ga trắng, Y Nôn chòng queo nằm, gầy chỉ còn da bọc xương; da khắp người loang lổ đen. Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu, cho hay: “Hôm qua Y Nôn đã ăn uống, nói chuyện được. Bé cũng đã bắt đầu tự tiêu, tiểu được, không còn quá khó khăn như lúc vào viện”. Bác sĩ Loan cũng cho biết, đáng lo nhất là đôi mắt. Mắt phải của Y Nôn đã bị mù do viêm loét giác mạc, mắt còn lại cũng rất yếu.
Tuy đã có nhiều dấu hiệu khả quan, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Y Nôn vẫn cần được chăm sóc với chế độ nghiêm ngặt. “Có thể nói, đây là một ca bệnh đặc biệt cả về mức độ cũng như hoàn cảnh bệnh tình. Đến thời điểm hiện tại, bé đã có dấu hiệu hồi phục tốt, nhưng chúng tôi cũng chưa dám chắc chắn điều gì, nên vẫn cố gắng hết sức trong việc chăm sóc, điều trị”.
NGUYỄN HOÀNG