Sân khấu truyền hình trực tiếp:
Nỗ lực quảng bá nghệ thuật truyền thống
Để đưa nghệ thuật tuồng, dân ca - bài chòi Bình Định đến với khán giả truyền hình cả nước, từ năm 2013, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định (BTV) bắt đầu thực hiện một chương trình sân khấu truyền hình trực tiếp (SKTHTT). Đây là kênh quảng bá nghệ thuật truyền thống có sức lan tỏa rộng rãi tới công chúng.
Sau một thời gian khá dài để từ ý tưởng đi đến hiện thực hóa, tối 26.1.2013, chương trình SKTHTT số đầu tiên của BTV chính thức ra mắt, với vở tuồng “Phong Thần” do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn. Từ đó trở đi, cứ 3 tháng 1 số (vào tối thứ Bảy của tuần cuối cùng tháng đầu tiên trong quý), những vở tuồng, dân ca - bài chòi đặc sắc đang được biểu diễn tại “đầu cầu” Bình Định được BTV truyền tải trực tiếp đến với khán giả truyền hình khắp cả nước.
Thực hiện THTT vở tuồng “Bông mai đỏ” tại sân khấu Nhà hát tuồng Đào Tấn vào tối 22.2.
Thêm một kênh quảng bá
Bằng cách ấy, những tác phẩm sân khấu truyền thống mới nhất của Bình Định trong vài năm gần đây, như “Phong Thần”, “Đêm sáng phương Nam” (tuồng) và hai vở dân ca - bài chòi “Lâm Sanh - Xuân Nương” (phục hồi, nâng cao), “Khúc ca bi tráng” đã lần lượt được giới thiệu đến một lượng công chúng đông đảo hơn.
Nằm trong chuyên mục Đến với sân khấu truyền thống, chương trình SKTHTT là ví dụ sinh động, điểm nhấn cho sự sáng tạo, nỗ lực làm mới “thực đơn” văn nghệ trên BTV từ đầu năm 2013 đến nay. Chương trình đã đi qua 4 số trong năm đầu tiên thực hiện và bước sang số thứ 5, cũng là số đầu tiên của năm 2014, bằng vở tuồng mới nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn: “Bông mai đỏ”, đã được truyền hình trực tiếp vào tối 22.2 vừa qua.
Ông Lê Khắc Hùng, Phó Trưởng phòng Văn nghệ - BTV, đạo diễn chương trình SKTHTT, cho biết: “Chương trình được phát sóng vào “khung giờ vàng” và kéo dài trong 120 phút, đồng nghĩa với việc nhà đài chúng tôi mất khoản thu không nhỏ từ quảng cáo. Song trên hết, đây là chương trình được đầu tư thực hiện tâm huyết, tốn nhiều kinh phí, hướng đến mục tiêu quảng bá sâu rộng hơn nghệ thuật truyền thống Bình Định đến với công chúng cả nước”.
Phối hợp với BTV thực hiện chương trình SKTHTT, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn cho rằng, với sức “nóng” của một chương trình trực tiếp và sức lan tỏa của truyền hình, đây là một kênh quảng bá nghệ thuật truyền thống hiệu quả. NSƯT Hoàng Ngọc Đình cũng cho biết thêm, nhờ chú trọng công tác giới thiệu trước công diễn, SKTHTT định kỳ trên sóng BTV dần trở thành chương trình được ưa chuộng của người dân trong tỉnh, đặc biệt người dân vùng nông thôn.
Thông qua chương trình SKTHTT của BTV, nghệ thuật tuồng, dân ca - bài chòi Bình Định có cơ hội tiếp cận với một lượng khán giả truyền hình đông đảo.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Bông mai đỏ”.
“Chương trình ra được vài số, một số khán giả tâm đắc đã liên lạc, bày tỏ sự đồng tình, cũng như kiến nghị hai bên nên duy trì chương trình ý nghĩa này. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, khi Nhà hát về lưu diễn tại các địa phương trong tỉnh, khán giả mộ tuồng ở huyện thể hiện mong mỏi được “xem trực tiếp trên tivi” những vở tuồng kinh điển, đây là điều Nhà hát sẽ lưu tâm, sớm đáp ứng mong mỏi này của khán giả”, NSƯT Hoàng Ngọc Đình chia sẻ.
Trải nghiệm SKTHTT
“Đầu tư, tổ chức truyền hình trực tiếp một vở diễn trên truyền hình khá tốn kém. Bởi vậy, theo tôi, cần tăng cường công tác giới thiệu về chương trình cũng như về tác phẩm sắp công diễn nhiều hơn nữa. Tìm hướng tiếp cận và mở rộng lượng khán giả là cách thiết thực để phát huy hiệu quả chương trình SKTHTT, qua đó quảng bá nghệ thuật truyền thống Bình Định đến công chúng”.
NSND HOÀI HUỆ, Trưởng Đoàn Ca kịch - bài chòi Bình Định
Một chương trình THTT có đối tượng khán giả đa dạng ở một phạm vi rộng. Do đó, những chương trình này một mặt vừa mang tính thời sự, tươi mới, xúc động, phù hợp với xu hướng của truyền hình nhưng một mặt chứa đầy thử thách, rủi ro. Khác biệt và cũng là thử thách lớn nhất giữa một vở sân khấu được THTT với một vở được ghi hình và sau đó phát lại là không cho phép nghệ sĩ… tạm ngưng để khắc phục sự cố hay diễn lại cho đạt hơn! Bởi vậy, với nghệ sĩ hai đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh, biểu diễn cho THTT là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Dẫu “dạn dày trận mạc” qua rất nhiều hội thi, hội diễn, NSND Minh Ngọc (Nhà hát tuồng Đào Tấn) vẫn có cảm giác mới mẻ khi biểu diễn trong chương trình SKTHTT. Ông bộc bạch: “Ý thức được rằng, trước mình không chỉ là vài chục khán giả trong hội trường như trước đây mà có hàng trăm, thậm chí cả ngàn khán giả đang theo dõi, thưởng thức nghệ thuật; cảm giác ấy vừa hạnh phúc lại vừa áp lực. Áp lực làm cho người nghệ sĩ không dám chủ quan, lơ là, mà ôn “bài” thật kỹ trước ngày diễn, mà thấm nhuần tư tưởng nghệ thuật của vở diễn để hóa thân tròn vai của mình. Đồng thời, niềm hạnh phúc được trực tiếp đóng góp vào công tác giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống của Bình Định đến công chúng là chất xúc tác để người nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc hơn, thăng hoa hơn”.
Chung mục đích tìm một đời sống rộng rãi hơn, bồi đắp sức sống mạnh mẽ hơn cho nghệ thuật tuồng, dân ca - bài chòi Bình Định, sự phối hợp giữa BTV và hai đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh đã được duy trì chặt chẽ hơn một năm qua. Từ hiệu quả bước đầu và sức hấp dẫn mới của SKTHTT, chương trình tiếp tục được đầu tư sản xuất trong năm 2014 này. “Chương trình SKTHTT trên BTV năm 2014 sẽ tăng về số lượng vở diễn, từ 4 vở/ năm lên 6 vở/năm, định kỳ vào tối thứ Sáu của tuần cuối cùng các tháng chẵn trong năm”, ông Mai Thìn, Trưởng phòng Văn nghệ - BTV, cho biết.
SAO LY