Thầy giáo Toán đoạt giải thơ
Đầu tháng 12.2013, Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật - Việt lần 4 - năm 2013 đã được tổ chức tại Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh. Cây bút trẻ Thái An Khánh của Bình Định đã được trao giải Nhì thơ tiếng Việt của cuộc thi này.
Thái An Khánh tên thật là Trần Văn Khánh, năm nay 36 tuổi. Lớn lên ở “làng võ” Thuận Thái (Nhơn An, TX An Nhơn), nên dường như Khánh cũng biết cách “điểm huyệt” trong thơ. Tôi đã từng ngạc nhiên khi thấy một chàng sinh viên khoa Toán của Trường ĐH Quy Nhơn đến tham gia các CLB thơ văn với một sự mê đắm lạ kỳ. Khánh thích tìm tòi những cách thể hiện “lạ đời” để làm “điểm nhấn” cho những chiêm nghiệm của mình. Ra trường, Khánh trở thành thầy dạy Toán của Trường THPT Hòa Bình (An Nhơn), tiếp tục học Cao học để lấy bằng thạc sĩ Toán, nhưng vẫn không nguôi quên “nàng thơ” của mình. Năm 2012, Khánh đã xuất bản tập thơ đầu tay “Bùa môi” (NXB Văn học), mang đến những thú vị bất ngờ trong giới cầm bút.
Cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật - Việt lần 4 do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh tổ chức. Cuộc thi được tổ chức từ năm 2007, định kỳ 2 năm 1 lần. Cuộc thi lần này có tổng số người dự thi nhiều nhất (750 người), có tổng số bài thi nhiều nhất (1.873 bài thơ bằng tiếng Việt, 204 bài thơ bằng tiếng Nhật).
Thơ haiku là thể loại văn học độc đáo của Nhật Bản, được xem là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ với tối đa 17 âm tiết, thông qua yếu tố nào đó mở ra sự chiêm nghiệm về thiên nhiên, đời sống, tư tưởng, triết học... Theo nhà thơ Thu Nguyệt (Báo Tuổi Trẻ) - thành viên ban giám khảo cuộc thi thơ haiku bằng tiếng Việt, bài thơ haiku phải đạt chuẩn trong cách dùng từ ngữ và hình ảnh rất xác thực mà tinh tế, gây ấn tượng và gợi được cho người đọc mở ra nhiều liên tưởng, tư duy, cảm xúc…
Tham gia dự thi thơ haiku lần này, Khánh không thật sự tự tin lắm vì phải “đụng” với rất nhiều nhà thơ có tiếng trong nước. Khánh tâm sự: “Gửi thơ dự thi nhưng em dùng tên vợ làm bút danh (Hồ Thị Cẩm Hồng), mong sao vượt qua sơ khảo để được in vào tuyển tập là mừng rồi…”. Nhưng thơ có “cái lý” của thơ, “nàng thơ” đã không “phụ tình” người thực sự yêu mến mình, Khánh đã đoạt giải Nhì. Hãy thử đọc bài thơ đó: “Chiều siêu bão/ Mèo và chuột/ Chung căn nhà hoang”. Bài thơ chỉ có 3 dòng và 10 âm tiết, nhưng sự vang vọng của ý tưởng lại làm rung động mãi trái tim người đọc, một hình ảnh rất “gợi” và đầy tính nhân văn sâu sắc.
“Thầy giáo Toán mê thơ” Thái An Khánh vừa được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh cuối năm qua. Tôi nghĩ, với niềm đam mê, cộng với sự tìm tòi sáng tạo, Khánh có thể sẽ còn gây nhiều bất ngờ khác trên văn đàn.
HẠT CÁT
Chúc mừng em đoạt được giải Nhì Cũng là cố gắng còn gì vui hơn