Phát triển, bảo vệ rừng bền vững dựa vào cộng đồng
Không chỉ quan tâm đúng mức cho phát triển rừng bền vững, huyện Tây Sơn còn xây dựng được mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả cao hơn. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
● Thời gian qua, huyện Tây Sơn quan tâm định hướng tập trung cho mục tiêu từng bước phát triển trồng rừng gỗ lớn bền vững với những loại cây thuộc nhóm có giá trị kinh tế cao, cụ thể như thế nào thưa ông?
- Thực hiện thí điểm từ năm 2017 đến nay, huyện Tây Sơn đã chỉ đạo, hỗ trợ trồng rừng hỗn giao các loài cây bản địa (chủ yếu cây lim xanh) và cây keo lai để “lấy ngắn nuôi dài” thành rừng gỗ lớn, hướng đến phát triển rừng bền vững. Sau thời gian trồng từ 7 - 10 năm, huyện sẽ đề xuất tỉnh cho phép khai thác gỗ lớn ở cây keo lai, đồng thời tiếp tục chăm sóc cây lim xanh. Qua đó, tạo nguồn thu, tiếp tục đầu tư, khuyến khích người dân tham gia trồng, bảo vệ cây bản địa. Nhờ hằng năm triển khai trồng liên tục trên diện tích lớn, đến nay huyện đã có hơn 100 ha rừng hỗn giao tại các xã Tây Giang, Bình Nghi, Bình Tân.
● Để phát triển rừng bền vững, còn phải kể đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Huyện Tây Sơn đã chuyển việc giao khoán từ các hộ, cá nhân bảo vệ rừng sang cho cộng đồng bảo vệ rừng. Điều này xuất phát từ đâu và mang lại hiệu quả gì?
- Trước đây rừng phòng hộ trên địa bàn huyện chủ yếu giao cho các hộ, cá nhân quản lý, bảo vệ, song vẫn còn những hạn chế nhất định. Từ năm 2018, huyện bắt đầu thí điểm thành lập 2 mô hình tổ cộng đồng bảo vệ rừng thì nhận thấy hiệu quả bảo vệ rừng cao hơn và mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng. Trên cơ sở này, chúng tôi đã chỉ đạo nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 12 tổ cộng đồng bảo vệ rừng, với tổng diện tích hơn 16.124 ha ở 5 xã có rừng phòng hộ.
Khi giao cho tổ cộng đồng, công tác kiểm tra bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn, lợi ích cũng được chia cho nhiều người hơn trong cộng đồng dân cư ở địa phương. Trong hợp đồng khoán bảo vệ, bên cạnh tiền hỗ trợ thì người dân còn được thu, hái những sản phẩm dưới tán rừng. Qua quá trình theo dõi, báo cáo của các phòng, đơn vị chức năng, địa phương cho thấy, cách thức quản lý, bảo vệ rừng như hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như đối với cây ươi, trước đây giao cho các hộ thì có khi họ chặt hạ cả cây để lấy trái, nhưng đối với bà con trong cộng đồng bảo vệ rừng thì chỉ lượm, hái và bảo vệ cây để ươi mùa sau còn cho trái tiếp... Điều này cũng góp phần bảo vệ rừng bền vững hơn.
● Để hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững, huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?
- UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững của Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2030, trên cơ sở đó UBND huyện xem xét cấp kinh phí để đơn vị triển khai các bước tiếp theo. Huyện cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, trong đó có khoảng 30 ha cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ theo hình thức trồng hỗn giao cây bản địa và cây keo lai. Hưởng ứng kế hoạch của huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã lập hồ sơ thiết kế trồng rừng phòng hộ năm 2021 với diện tích 28,31 ha tại xã Tây Giang, đang trình các ngành chức năng phê duyệt để thực hiện, sẽ được UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí.
Cán bộ kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn kiểm tra rừng trồng hỗn giao cây lim xanh và cây keo lai tại xã Bình Nghi. Ảnh: HOÀI THU
Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương căn cứ vào thực tế để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngày càng nhiều người dân thấy được lợi ích của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn hướng đến phát triển rừng bền vững là mang lại lợi ích thiết thực về KT - XH lâu dài, cho các thế hệ mai sau, cho chính con cháu chúng ta. Đồng thời, huyện sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân tham gia, như vậy việc bảo vệ và phát triển rừng càng thêm bền vững.
● Xin cảm ơn ông!
HOÀI THU (Thực hiện)