Từng bước hình thành đô thị thông minh
Thực hiện Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, hơn một năm qua, Sở TT&TT đã xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đặt tại trụ sở của Sở TT&TT. Qua nhiều kênh: Camera giám sát, ứng dụng di động, website, mạng xã hội… Trung tâm đóng vai trò là bộ não thu thập thông tin, chuẩn hóa dữ liệu, tổng hợp và phân tích để tham mưu cho UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sở đã lắp đặt và cấu hình 35 camera giám sát gồm: 2 camera tầm xa đặt tại tòa nhà TMS Quy Nhơn; 9 camera tầm trung tại trung tâm ngã năm bến xe, ngã năm Đống Đa, ngã ba Phú Tài, ngã sáu Nguyễn Tất Thành, và Quảng trường Nguyễn Tất Thành; 4 camera tại các vị trí trọng điểm như: Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tiếp dân, công viên Mũi Tấn đường Xuân Diệu; 20 camera tại các ngã tư và ngã năm: Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ, Võ Liệu - Tây Sơn, Hoàng Văn Thụ - Tây Sơn…
Hình ảnh theo dõi vi phạm đối với phương tiện đường bộ tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ
Trong giai đoạn 1, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm 8 dịch vụ cơ bản của đô thị thông minh theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT bao gồm: ANTT; giám sát, điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát dịch vụ công; thông tin KT-XH; tổng hợp giám sát điều hành.
IOC cũng tích hợp các dịch vụ, hệ thống đã được các đơn vị khác phát triển như: Hệ thống giám sát tàu cá, bản đồ hộ kinh doanh... Ngoài ra, Sở TT&TT vừa đưa vào thử nghiệm hệ thống giám sát giao thông qua Zalo, nhờ đó người dân có thể tra cứu thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông cũng như truy xuất ảnh camera quan sát trên địa bàn TP Quy Nhơn qua trang “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” trên nền tảng Zalo. Hệ thống ghi nhận các lỗi tại các điểm giám sát thông qua camera và phần mềm tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo), sau đó chuyển các thông tin vi phạm về cơ quan cảnh sát giao thông để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, qua 1 tuần triển khai, đã có gần 10.000 người quan tâm đến nền tảng này.
Anh Trần Bảo Ngọc (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Chỉ cần vài thao tác đơn giản như vào Zalo, chọn chức năng Tra cứu vi phạm giao thông, rồi nhập biển số xe của mình là tôi có thể biết được ngay xe mình có bị vi phạm giao thông hay không. Tuy mới bước đầu triển khai nhưng điều này cho thấy sự nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện hơn đối với người dân”. Ngoài ra, trang Zalo “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” cũng thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa... đặc biệt là diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Việc xây dựng và đưa vào vận hành IOC nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hiện hệ thống đang vận hành thử nghiệm cơ bản hiệu quả, thuận lợi khi tra cứu, trích xuất thông tin.
Để chính thức đưa các dịnh vụ trên vào hoạt động, Sở đã tham mưu xây dựng các quy định gồm: Quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh và Quy định phối hợp xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh. Hiện Sở đang trong quá trình lấy ý kiến của các ngành và địa phương, dự kiến trình UBND tỉnh quyết định vào tuần tới.
“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các tính năng của phần mềm, đưa vào hoạt động ứng dụng BinhDinh Smart City, dịch vụ phản ánh hiện trường, mở rộng thêm các điểm lắp camera trên địa bàn thành phố để phục vụ các dịch vụ hiện có; đồng thời, xây dựng và mở rộng thêm mới hệ thống giám sát lũ lụt trên địa bàn tỉnh bằng việc lắp các camera quan sát tại huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn”, ông Kha cho biết thêm.
HỒNG HÀ