KẾT QUẢ THEO DÕI DIỄN BIẾN RỪNG NĂM 2020:
Rừng tự nhiên giảm, rừng trồng và độ che phủ rừng tăng
Theo Quyết định phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng tỉnh năm 2020 của UBND tỉnh, diện tích các loại rừng đã có những sự biến động, cho thấy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cần tiếp tục được quan tâm hơn.
Theo Thông tư số 33/2018 của Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ theo dõi diễn biến rừng là theo dõi diễn biến diện tích theo trạng thái rừng, chủ rừng, mục đích sử dụng, các nguyên nhân. Chi cục kiểm lâm tổ chức triển khai, hướng dẫn chuyên môn kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng cho hạt kiểm lâm cấp huyện và các chủ rừng. Kết quả theo dõi diễn biến rừng của tỉnh được Sở NN&PTN báo cáo UBND tỉnh có quyết định phê duyệt, báo cáo Bộ NN&PTNN để làm cơ sở công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng do Bộ NN&PTNT ban hành để thực hiện báo cáo thông tin có liên quan trên địa bàn theo quy định về Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: HOÀI THU
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai công tác theo dõi diễn biến rừng năm 2020. Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn, năm 2020, đơn vị đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan; điều tra thực địa ghi chép vào phiếu mô tả đến đơn vị lô, cập nhật số liệu theo các nguyên nhân: Trồng rừng, khai thác rừng, cháy rừng, chăm sóc rừng, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cùng các nguyên nhân khác... Kết quả, diện tích rừng và đất lâm nghiệp năm 2020 của huyện Tuy Phước gần 4.601 ha, giảm 40,81 ha với năm 2019, do rừng ngoài quy hoạch, đất trống ngoài quy hoạch chuyển mục đích khác tại 2 xã Phước An, Phước Thành.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh) hiện có khoảng 1.500 ha rừng trồng, quản lý, bảo vệ khoảng 10.500 ha rừng tự nhiên, đã tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh trong công tác báo cáo về diễn biến rừng theo quy định. “Công ty luôn thực hiện trách nhiệm của chủ rừng trong kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện. Mỗi khi nhận được báo cáo biến động về diện tích rừng của Công ty, Hạt Kiểm lâm huyện luôn có điều tra thực địa, xem xét các nguyên nhân một cách kỹ lưỡng...”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ.
Ngày 21.5.2021, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng tỉnh năm 2020. Theo đó, diện tích rừng và đất chưa có rừng là hơn 416,632 nghìn ha, (giảm hơn 853 ha so với năm 2019); trong số này, diện tích rừng tự nhiên hơn 215,295 nghìn ha (giảm hơn 901 ha so với năm 2019), diện tích rừng trồng hơn 124,871 nghìn ha (tăng hơn 5.947 ha) và diện tích mới trồng chưa thành rừng hơn 39.281 ha (giảm hơn 6189 ha), diện tích các loại rừng, loại đất phân theo chức năng 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) hơn 379,946 nghìn ha (giảm 122,65 ha).
Độ che phủ của rừng tỉnh Bình Định năm 2020 đạt 56,03%, tiếp tục tăng 0,83% so với năm 2019, tăng 1,15 % so với năm 2018. Đây là cơ sở để hướng đến mục tiêu năm 2025 đảm bảo độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 58%.
Theo Quyết định Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 của Bộ NN&PTNT, riêng đối với khu vực duyên hải Nam Trung bộ gồm có 8 tỉnh, thành (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), Bình Định có diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng xếp thứ nhì (chỉ sau Quảng Nam), diện tích rừng tự nhiên xếp thứ ba (sau Quảng Nam, Bình Thuận), diện tích rừng trồng xếp thứ ba (sau Quảng Nam, Quảng Ngãi). Nỗ lực trồng rừng trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh đã đem lại kết quả tốt, khi diện tích rừng trồng của Bình Định (164,153 nghìn ha năm 2020) xếp thứ 5/18 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xếp thứ 9 trong cả nước. Đáng chú ý, diện tích rừng tự nhiên của Bình Định (215,295 nghìn ha) năm 2020 tuy có giảm nhưng vẫn nhiều hơn đến 19.000 ha so tỉnh Đắk Nông (196,285 nghìn ha) ở khu vực Tây Nguyên.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Đức Sáu nhấn mạnh: Theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hằng năm cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để nắm được diện tích các loại rừng, đất chưa có rừng; sự biến động diện tích các loại rừng, các loại đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo địa giới hành chính, nhằm giúp hoạch định chính sách lâm nghiệp ở địa phương và Trung ương, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đôn đốc hạt kiểm lâm ở các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi diễn biến rừng trong 6 tháng cuối năm 2021, kịp thời cập nhật, đánh giá chính xác sự biến động của rừng và đất lâm nghiệp.
HOÀI THU