Mô hình Học bộ đình
Khách đến tham quan phòng trưng bày nghệ thuật tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thường dừng lại ngắm mô hình phần nào tái hiện về Học bộ đình của hậu tổ tuồng Đào Tấn, rồi được nghe câu chuyện lý thú về trường dạy hát bội của ông trong các giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.
Mô hình Học bộ đỉnh. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Đào Tấn làm quan suốt 3 triều vua, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871 - 1904), ở hàm nhất phẩm, được giao đứng đầu nhiều bộ. Sau khi nhậm chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) vào năm 1889, Đào Tấn đã lập Học bộ đình Nghệ An để đào tạo diễn viên tuồng. Theo các nhà nghiên cứu tuồng, học bộ đình có nghĩa là trường dạy bước, bởi vì các điệu bộ diễn xuất trong hát tuồng phần chính là ở bước chân. Để hình thành và phát triển Học bộ đình Nghệ An, Đào Tấn đã đưa các kép hát bội được tuyển từ Bình Định và một ít ở Nghệ An vào biên chế của đội quân binh phục vụ ở dinh Tổng đốc để họ vừa có lương vừa tập luyện, biểu diễn.
Năm 1904, vì chống đối tên Việt gian Nguyễn Thân, Đào Tấn bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Luôn coi trọng việc đào tạo diễn viên tuồng, Đào Tấn tiếp tục lập Học bộ đình ngay tại quê nhà mình (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), đây là nơi đào tạo nên các diễn viên tài năng, cùng tham gia biểu diễn phục vụ người dân thưởng thức những vở tuồng đặc sắc của của Đào Tấn. Nhiều diễn viên trưởng thành từ Học bộ đình Vinh Thạnh sau này đã trao truyền lại cho các thế hệ học trò tiếp nối gìn giữ, phát huy nghệ thuật tuồng Đào Tấn cho đến ngày hôm nay.
ÐOAN NGỌC