Vở ca kịch bài chòi “Chuyện tình nàng Sita”: Hướng con người tới cái thiện
Tối 22.6, đoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) diễn báo cáo tổng duyệt vở ca kịch bài chòi “Chuyện tình nàng Sita”. Ðây là vở được cố NSƯT Phan Ngạn chuyển thể dân ca bài chòi theo tác phẩm “Nàng Sita” của hai cố kịch tác gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ.
Theo đạo diễn vở diễn - NSND Hoài Huệ, “Nàng sita” là vở diễn “đình đám” trên sân khấu nghệ thuật truyền thống cả nước trong những năm 80 của thế kỷ trước; tiên phong diễn vở này là Nhà hát chèo Hà Nội. Từ năm 1986 - 1987, rất nhiều đoàn nghệ thuật trong khắp cả nước, trong đó có Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đã biểu diễn vở này và tạo tiếng vang lớn. Sau 35 năm, vở diễn được phục hồi, nâng cao để lớp diễn viên kế cận có cơ hội được học hỏi, rèn luyện, công diễn phục vụ nhân dân.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi “Chuyện tình nàng Sita”. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xoay quanh chuyện tình của nàng Sita và hoàng tử Pơ Rim (sau này lên ngôi vua), vở ca kịch bài chòi “Chuyện tình nàng Sita” truyền tải thông điệp về tình yêu, tình người, hướng con người vươn tới cái thiện, sống có niềm tin và có lý tưởng sống cao đẹp hơn. Xuyên suốt vở diễn là biểu tượng cành hoa sứ trắng được khắc họa trên sân khấu - loài cây chịu được nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt nhưng hương hoa, màu hoa vẫn nồng nàn, tinh khiết. Phải chăng, cành hoa sứ trắng tượng trưng cho tấm lòng kiên trung, chung thủy của nàng Sita.
Từng hồi diễn với nhiều tình tiết, lời thoại cuốn hút khiến người xem cảm nhận được tình yêu chân thành của nàng Sita như chủ đề bài hát “Hoa sứ” trong vở diễn nói về nàng: “Mọc ở sân đình hay tận đồi cao, em như hoa sứ trắng. Mọc ở sân đình đâu nề hà nước mát với trời xanh, trong nắng cháy vẫn đưa hương dâng đời. Trong bão tố vẫn trắng trong, trắng trong vẹn toàn”. Nhưng rồi, cũng như câu hát “một cành hoa sứ trong tay kẻ ác thì có nghĩa lý gì sự trinh bạch, thủy chung” mà nàng phải sống trong ngờ vực, ghen tuông của người chồng nàng nguyện đồng cam cộng khổ, để rồi nàng phải tìm đến cái chết để xóa đi mọi giận dữ, oán hờn của chồng.
Ngoài hai vai chính Sita - Pơ Rim do cặp nghệ sĩ Thùy Dung - Phương Phú thể hiện tốt, góp phần đem đến thành công cho vở diễn còn có các diễn viên trẻ Thành Việt (vai quỷ kép), Trung Hiếu (vai vua khỉ Hanuman) và lớp diễn viên nhiều kinh nghiệm như Quốc Tuấn (vai hoạn quan), Đỗ Xuân (vai người hát rong)… Theo dõi vở diễn, khán giả trải những cung bậc cảm xúc đan xen với hai tuyến nhân vật thiện - ác được thể hiện qua tính cách, hành động và màu sắc (trắng - đen).
Nghệ sĩ Thành Việt chia sẻ: “Trước đây tôi thường chỉ đảm nhận các vai chính diện, trong khi nhân vật quỷ kép là vai phản diện đòi hỏi nhiều kỹ thuật biểu diễn trong từng ánh mắt, vũ đạo, lời thoại... Khi được giao diễn vai này tôi cũng hơi lo lắng, nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của NSND Hoài Huệ, NSND Hoài Thu, NSƯT Hoài Nam, tôi nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn để đặc tả nhân vật phản diện vừa ma mị vừa độc ác”.
Ngoài việc xây dựng hình tượng nhân vật, xuyên suốt vở diễn còn có những điểm nhấn tạo được ấn tượng cho người xem trong thiết kế sân khấu, âm nhạc. “Chuyện tình nàng Sita” là một vở diễn hay mang giá trị tư tưởng nhân văn hướng thiện của con người - đó là hận thù mà trả bằng hận thù thì hận thù mãi mãi chồng chất. Vở được phục hồi, nâng cao, phải thay đổi thời gian diễn phù hợp, tối giản không gian mang tính chủ đề, xử lý cảnh trí của sân khấu mang tính tả thực, nâng cao trình độ biểu diễn của diễn viên, nhạc công theo xu hướng hiện đại nhưng chủ đề, ý nghĩa vở diễn vẫn được giữ nguyên”, đạo diễn - NSND Hoài Huệ chia sẻ.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN