Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm: Tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị
Với mục tiêu phát triển bền vững các sản phẩm địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực hỗ trợ các đơn vị kinh doanh, làng nghề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức như: Nhãn hiệu, kiểu dáng, giải pháp hữu ích…
Đăng ký bảo hộ cho thương hiệu ngay khi mới hình thành ý tưởng, 2 năm qua, sản phẩm bánh tráng Sachi đã trở thành thương hiệu quen thuộc của nhiều khách hàng trong nước khi có mặt ở 30 tỉnh, thành và hệ thống siêu thị Co.opmart. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2020 hương vị của loại bánh truyền thống này đã được xuất sang Mỹ, tiếp đó, đầu năm 2021 tiếp cận thị trường Đài Loan.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đã trao nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Nước mắm Đề Gi” cho làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi, huyện Phù Cát. Từ đó hơn 300 hộ sản xuất nước mắm truyền thống ở hai xã Cát Khánh và Cát Minh đã được đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Nhờ được dán thêm nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi”, sản phẩm nước mắm ở làng nghề truyền thống này vươn xa hơn, đặc biệt là không xảy ra tranh chấp hay xâm phạm thương hiệu trên thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh có 50 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, 41 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh của địa phương (trong đó có 19 nhãn hiệu chứng nhận, 22 nhãn hiệu tập thể).
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đang đưa vào hoạt động trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp để giúp các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong việc lập hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn.
PHAN TUẤN (thực hiện)