Nghệ nhân ưu tú, Ðại võ sư Hồ Sừng: Một đời tâm huyết với võ cổ truyền
Ðại võ sư Hồ Sừng (SN 1938, ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) là truyền nhân của đường roi nghịch nức danh của dòng họ Hồ. Bằng tình yêu, tâm huyết với võ cổ truyền, ông là người đã “phát dương quang đại” võ thuật Hồ gia, góp phần gìn giữ và hoằng phát võ cổ truyền đến các lớp cháu con.
1. Nhắc đến võ cổ truyền Bình Định, người mộ võ nhớ ngay đến làng võ Thuận Truyền và dòng võ Hồ gia với tên tuổi lẫy lừng võ sư Hồ Ngạnh (tên thật là Hồ Nhu, 1891-1976). Hồ Ngạnh chỉ có 1 người con duy nhất nhưng lại sớm qua đời. May mắn cho Hồ gia là vẫn còn lại người cháu trai đích tôn là Hồ Sừng.
Lão võ sư, Nghệ nhân Ưu tú Hồ Sừng thị phạm một đường roi gia truyền. Ảnh: LINH ĐỨC
Bởi vậy ngay từ nhỏ, Hồ Sừng đã được võ sư Hồ Ngạnh nhất mực yêu thương, bảo ban chăm sóc hết sức kỹ lưỡng. Bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, đại võ sư Hồ Sừng tâm sự: “Mồ côi sớm, tôi ở với ông bà nội từ bé. Thương thì thương ghê lắm, nhưng “thay cha dạy cháu” nên ông nội tuy từ hòa nhưng rất nghiêm khắc. Từ nhỏ, ông đã chỉ dạy thảo thức, truyền dần tinh túy tuyệt nghệ cho tôi...”.
Năm 1976, võ sư Hồ Ngạnh mất, nối nghiệp võ của Hồ gia, võ sư Hồ Sừng truyền dạy võ nghệ tại quê hương. Lão võ sư chậm rãi thổ lộ: “Tôi lập võ đường Hồ Sừng, nối nghiệp gia tộc. Khoảng mười năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, võ đường gặp không ít khó khăn, nhưng dần dần võ sinh nhiều dần lên và ổn định đến ngày hôm nay”.
Nhắc đến đường roi làm nên thương hiệu của họ Hồ ở huyện Tây Sơn, đại võ sư Hồ Sừng khiêm tốn: Roi thường làm bằng gỗ dẻo, tre đặc, to nhỏ tùy theo người sử dụng. Một bài roi gồm lời thiệu và động tác. Động tác là các đòn thế công, thủ theo các phách cơ bản như bát, bắt, triệt, chận, nhằm triệt phá các đòn tấn công của đối phương; và hoành, khắc, lắc, tém, vừa thủ vừa công. Đặc của roi Hồ gia là có thể vừa thủ vừa công, trong thủ có công, trong công có thủ, linh hoạt ứng biến. Thủ thì kín kẽ, ngầm ẩn sự chuẩn bị phản kích bất ngờ, công thì nhanh, hiểm hóc. Dù vậy tất cả đều đòi hỏi sự rèn giũa nghiêm khắc. Có tinh thông, nhuần nhuyễn thì đòn roi mới chính xác, hiệu quả. Mà thật ra đòn roi hay bất kỳ binh khí, quyền cước nào khác cũng thế thôi, đều đòi hỏi khổ luyện và sáng tạo”.
2. Tuy đã ngoài 80, nhưng đại lão võ sư vẫn còn nét tinh anh, rắn rỏi của người luyện võ. Nhắc nhớ về võ cổ truyền, bao ký ức như kéo ông về một thời trai trẻ. Ông không ngại thị phạm những đường roi gia truyền của họ Hồ cho tôi xem. Thế đánh uy dũng, biến ảo bất ngờ, trần đầy uy lực khiến người xem không tin được người đang ra đòn đã ngoài 80 niên kỷ.
Bao năm qua đi, từ sự bảo ban, truyền dạy của lão võ sư, có người nay đã là đại võ sư. Võ đường Hồ Sừng là một trong số ít những võ đường của Bình Ðịnh luôn có đông học viên. Với những cống hiến của mình, năm 2015 võ sư Hồ Sừng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2017 ông được trao bằng Ðại võ sư. Ông cũng là 1 trong 4 nghệ nhân ưu tú của Bình Ðịnh được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021.
Võ đường của ông, suốt bao năm nay trở thành nơi tới lui của thanh, thiếu niên trong vùng. Không chỉ ở huyện Tây Sơn, mà nhiều địa phương khác, nghe danh võ đường Hồ Sừng cũng lặn lội tìm đến bái sư. Võ đường ông hoạt động quanh năm, nhưng đông đúc hơn cả là những ngày hè. Lão võ sư cười hiền: “Giờ tập võ sướng rồi. Điện đóm sáng trưng. Chứ như hồi cách đây mấy mươi năm, chỉ đèn hột vịt hay cậy nương vào chút ánh sáng của những đêm trăng mà thanh niên cứ vậy luyện tập, rào rào những động tác rộn rịp cả một vùng”. Rồi như bị giữ lại một lúc lâu ở những năm tháng cũ, đại võ sư Hồ Sừng kể: “Phải thực lòng mà rằng, hồi trước luyện võ kỳ khu hơn giờ nhiều. Thanh niên hồi đó ban ngày đầu tắt mặt tối; đêm xuống mới có chút thời gian tập võ. Nhưng hồi đó lại rất bài bản, đòn thế tỉ mỉ từ căn bản đi lên, phải vững phách, lạc, trụ, ngựa rồi mới chỉ cho quyền cước, các bài thảo. Giờ thì mọi thứ nó nhanh quá, mình dạy theo cách cũ thì tụi nhỏ không đủ bền chí. Đành mỗi thời một khác, mình buộc linh hoạt mà chuyển cách dạy sao phù hợp, hiệu quả! Những cháu có tố chất, chịu khó mình sẽ dành thời gian chỉ bảo thêm!”.
Là người luyện võ, đại võ sư Hồ Sừng không muốn các môn sinh, cháu con của mình nặng cái chất võ biền nên ông chú trọng việc học văn hóa, lễ nghĩa, cách ứng xử của học trò. Khi nhận học viên, lão võ sư luôn chú ý mà xem tướng xem tâm, nếu ai đó hung hăng thì có cách kết hợp với gia đình để uốn nắn. Ông luôn căn dặn học trò mình, học võ phải giữ cái tinh thần thượng võ, trước là phòng thân, rèn luyện sức khỏe, sau là làm việc có ích cho người, cho đời chứ không phải ỷ mình có chút ngón roi, đường quyền mà càn quấy.
Đại võ sư Hồ Sừng có 9 người con, 7 người con trai và 2 người con gái, các con của ông đều theo nghiệp võ. Tính đến hiện tại, võ đường Hồ Sừng đã kéo dài qua 5 thế hệ, từ thời cố võ sư Hồ Ngạnh, đến võ sư Hồ Sừng, rồi các con võ sư Hồ Sừng như Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Dư, Hồ Sỹ… rồi thế hệ kế cận những Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thiệt, Hồ Đức Hạnh… Dòng máu võ thuật được nuôi dưỡng, trao truyền và lan tỏa. Hiện tại, các lớp cháu con của đại võ sư Hồ Sừng, người tham gia dạy võ tại Bảo tàng Quang Trung, người làm huấn luyện viên võ thuật, người là vận động viên võ thuật. Mỗi một thành viên đều chung tay góp sức phổ biến, lan tỏa tình yêu võ cổ truyền.
LINH ĐỨC