Xem - Nghe - Ðọc
● Tình phụ tử (Tựa gốc: Fatherhood, một số bản phim dịch là Làm cha đơn thân, Làm cha, Tình cha). Mới 7 tuần, lại sinh non nhưng bé gái Maddy đã mồ côi mẹ. Và Matt, cha của bé Maddy vừa làm cha vừa làm mẹ bởi một điều giản dị, vì con anh cần anh, và tình yêu anh dành cho Liz, vợ anh. Lúc ru con, Matt tâm sự, “nếu con chỉ được có cha hoặc mẹ, cha ước đó là mẹ. Vì mẹ luôn giỏi việc này hơn cha”. Hành trình làm cha của Matt đầy khó khăn trở ngại nhưng với tình yêu thương con vô bờ bến, anh đã vượt qua. Tình phụ tử truyền đi thông điệp “tình phụ tử là không gì có thể so sánh, nó khiến con người ta có thể biến những điều không thể thành có thể và hiện thực”. Phim có trên các trang web cung cấp dịch vụ phim VOD.
● Giữa đại lộ Đông Tây, sáng tác: Hứa Kim Tuyền, trình diễn: Uyên Linh. Nhắc đến Uyên Linh là nhắc đến những giai điệu sôi động, bốc lửa và căng tràn nội lực. Thoạt nghe cô hát Giữa đại lộ Đông Tây có thể nghĩ có lẽ cô đang chuyển sang một phong cách khác, hoặc chí ít là một kiểu phá cách. Thật ra không phải vậy khi ta nghe thật kỹ, thật chậm rãi, có người ví von - nên nghe chậm hơn cả cách Uyên Linh chậm rãi nhả chữ - có như vậy mới thấy, vẫn thế thôi giọng ca căng tràn nội lực đang ngợi ca tình yêu theo đúng nét của riêng mình. Dưới cơn mưa phùn nhẹ có hai kẻ khờ chen xe lướt nhanh. Lách len qua dòng người vẫn đang ghì chặt tay ga lăn bánh/ Gấp phanh nơi đèn đường đếm tay chờ còn ba giây đến xanh/ Và em nói yêu anh...
● Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm. Tùy bút của Trần Đình Sơn. Tác giả sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc” ở Huế, nổi tiếng nhiều đời hiếu học và ham mê sách. Trần Đình Sơn không được đào tạo chuyên ngành Hán Nôm, mà chỉ tự học, tự nghiên cứu theo truyền thống gia đình. Nhận xét về ông, GS.TS. Trần Văn Khê nói: “Ông Trần Đình Sơn là một nhà khảo cổ lớn của Việt Nam, một người thầy Hán-Nôm có óc sưu tầm, có kiến thức phương pháp khảo cổ phương Tây, biết nhìn, ghi nhận và miêu tả hiện vật một cách khách quan khoa học. Ông thông hiểu lịch sử nước nhà và nhiều nước, ông là người thấu hiểu ẩn ý của người sáng tạo ra hiện vật, thấy những điều người thường không thấy!”.
ĐÔNG A