Chung tay vì người nghèo ở Tuy Phước: Hỗ trợ hộ khó, xóa bỏ hộ nghèo
Sau 5 năm triển khai, phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của huyện Tuy Phước đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Ðến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,4% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra.
Hỗ trợ hộ khó khăn
Để triển khai có hiệu quả phong trào, huyện Tuy Phước đã huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các tổ chức thành viên, kêu gọi sự vào cuộc của các DN, cá nhân trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho 578 đối tượng; hỗ trợ 440 học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 127 nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn; thăm, tặng hàng nghìn suất quà tết, hỗ trợ phát triển sản xuất....
Công ty CP FPT và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện Tuy Phước bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo huyện Tuy Phước có nhà ở bị sập do bão vào cuối năm 2019. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
5 năm qua, có 747 hộ khó khăn được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên. MTTQ, Hội CTĐ, Hội LHPN, tổ chức Đoàn thanh niên, Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái… nhiệt tình, năng nổ với vai trò là cầu nối giữa người khó khăn và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các hội, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện đã bắt tay nhau, “góp gió thành bão” để giúp đỡ hộ khó khăn đặc biệt trên địa bàn.
Trong các thời điểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…, sự chung tay của các nhà hảo tâm đã giúp nhân dân vùng rốn lũ của huyện Tuy Phước sớm vực dậy tinh thần, ổn định cuộc sống. Tháng 11.2020, được bàn giao nhà Đại đoàn kết từ sự tài trợ của Công ty CP FPT, bà Nguyễn Thị Chín (52 tuổi, ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa) tâm sự: “Nhà tôi chỉ có hai mẹ con. Một mình sức tôi đúng là khó mà xây được căn nhà. Nhờ có chính quyền địa phương giới thiệu, nhà tài trợ ủng hộ tiền, bà con xung quanh giúp sức, tôi đã xây lại được nhà. Nhà nhỏ thôi nhưng mừng nhất là cái móng nhà cao hơn 1 m, bớt sợ khi vào mùa lũ”.
Trao cần câu
Song song với hỗ trợ khẩn cấp, các tổ chức, đơn vị cũng chú trọng “trao cần câu” hơn “cho con cá”. Các cấp hội, đoàn thể đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình cho vay ủy thác với tổng dư nợ hơn 366 tỷ đồng, góp phần chuyển tải được nguồn vốn tín dụng của Chính phủ tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ từng bước vực dậy kinh tế gia đình.
3 năm trước, bà Đoàn Thị Thu Thủy, 51 tuổi, ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp được vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư làm bánh ít tại nhà. Toàn bộ số tiền bà dùng để mua các loại máy móc và nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động làm bánh. Buổi sáng, bà đi bán bánh tại chợ Tình Giang. Từ chiều đến tối, bà lo làm bánh chưng, bánh ít. Khi người chồng qua đời vì bệnh ung thư, bà bắt đầu tích cóp được nhiều hơn. Đến cuối năm 2019, hộ bà Thủy thoát nghèo.
Bà kể: “Hồi trước, tôi ở phía chồng thuộc xã Phước Sơn. Chồng mất rồi mới chuyển về phía nhà mẹ ruột, có thêm mẹ cùng làm bánh, đi chợ. Công việc cứ theo guồng, ngày nào làm cho xong ngày đó thì mới có đồng ra đồng vô. Mỗi tháng, tôi đều gửi tiết kiệm chỗ Tổ tiết kiệm và vay vốn 500 nghìn đồng, dành dụm được bao nhiêu thì trả gốc và lãi dần. Tôi mừng là chương trình vay cho hộ nghèo lãi suất thấp, thời gian dài để tôi đủ sức trả vốn vay”.
Các hội, đoàn thể tại huyện Tuy Phước cũng phát động các phong trào thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ thoát nghèo. Theo Hội Nông dân huyện Tuy Phước, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đang được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình mới được đầu tư nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất nấm rơm từ rơm cuộn với 25 hộ tại xã Phước Thắng; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng cạn tại thị trấn Diêu Trì; làng hoa cúc, hoa mai xã Phước Hưng; làng hoa Bình Lâm xã Phước Hòa; nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận…
Với mô hình phụ nữ nghèo giúp nhau làm kinh tế gia đình, đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn đã thành lập 280 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 8.500 thành viên và tổng số tiền l4,9 tỷ đồng. Có 2.890 phụ nữ đang mượn, vay thông qua các tổ. Có 3 hình thức tiết kiệm: Tiết kiệm tại chi/tổ phụ nữ, tiết kiệm tín dụng và góp vốn quay vòng. Trong đó, hình thức góp vốn quay vòng hiện có 183 tổ với 4.515 thành viên và tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Hội CTĐ các cấp trong huyện đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị xã hội từ thiện trong và ngoài huyện hỗ trợ 239 con bê giống, bò sinh sản. Đặc biệt, từ năm 2017 - 2020, huyện Tuy Phước triển khai thực hiện 3 mô hình giảm nghèo “Hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò sinh sản” cho 53 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện gần 938 triệu đồng. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 1 con bò cái giống lai từ 8 - 12 tháng tuổi, trọng lượng từ 100 - 150 kg, bò khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
NGUYỄN MUỘI