Anh hùng LLVTND Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập qua đời ở tuổi 94
Tối 25.6 (theo giờ Việt Nam), ông Kostas Saratidis, người Hy Lạp, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập đã qua đời ở tuổi 94. Ông Nguyễn Văn Lập được xem là một chứng nhân lịch sử, một người lính da trắng của Bộ đội Cụ Hồ, người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND Việt Nam.
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (bìa trái) vui mừng gặp lại đồng đội cũ tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn 803 được tổ chức tại TP Quy Nhơn tháng 6.2010. Ảnh: P.PHƯƠNG
Tháng 6.2010, Ban liên lạc Trung đoàn 803 tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Trung đoàn tại TP Quy Nhơn, Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập từ Hy Lạp đã bay sang dự lễ và gặp lại đồng đội cũ.
Tại lễ kỷ niệm ông đã kể: Tháng 1.1946, ông gia nhập quân đội Pháp sang Đông Dương và được tuyên truyền là đi để giải giáp vũ khí của quân Nhật. Nhưng đến nơi, sự thật không phải như vậy. Hình ảnh đầu tiên về cái gọi là “những người anh hùng giải phóng” mà ông nhìn thấy được là những cuộc càn quét, đốt phá, tàn sát dân thường. Trước khi đi, ông còn được tuyên truyền là Việt Minh tàn ác, giết người, cưỡng bức dân nghèo, nhưng sang Việt Nam mới thấy Việt Minh thực chất lại là những người làm cách mạng. Tháng 4.1946, ông quyết định từ bỏ quân đội Pháp gia nhập hàng ngũ Việt Minh ở Trung đoàn 803 (Liên khu V), trở thành “anh bộ đội Cụ Hồ”. Ông được đồng chí Nguyễn Dân - Chỉ huy Trung đoàn 803 - đặt cho cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Ông Lập trải qua nhiều vị trí công tác: Từ địch vận đến trực tiếp chiến đấu, từ chiến sĩ, trở thành trung đội trưởng. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1952, ông được chuyển sang đảm nhận một công việc mới: Cai quản trại tù binh số 3, nơi tập trung tù binh Pháp có nguồn gốc Âu - Phi ở Quảng Ngãi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm ở sân bay Gia Lâm. 11 năm làm việc ở miền Bắc, ông đã từng làm phiên dịch ở Nhà máy in Tiến Bộ, đóng vài bộ phim tài liệu, rồi chuyển ngành, làm lái xe ở mỏ thiếc Cao Bằng, mỏ than Na Dương (Lạng Sơn).
Năm 1965, ông Lập đưa vợ là bà Đỗ Thị Chung, quê gốc ở Hà Nội, về Hy Lạp. Hai vợ chồng ông sinh được bốn người con đều lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và người con út là Nguyễn Thị Tự Do. Ông cho biết, tên người con út cũng chính là một ý nguyện trong suốt cuộc đời ông, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập và tự do.
PHẠM PHƯƠNG