Chồng em áo rách em thương...
Lửa thử vàng
Chị là Nguyễn Thị Trọng Thúy Kiều, sinh năm 1977, còn anh sinh năm 1974, đều quê thôn Thuận Đức (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). 27 năm trước, nàng Kiều xinh xắn đem lòng cảm thương anh thanh niên hiền lành có người thân ruột thịt duy nhất là đứa em trai nhỏ, không có nhà để ở nên quanh năm hai anh em cứ đi xin ngủ nhờ. Để rồi, đến một ngày, cùng với tình yêu đã lớn, chị quyết định “về chung một nhà” để san sớt nhọc nhằn với người mình thương, tổ ấm đầu tiên của họ là vài ba miếng ván, tấm tôn xin che tạm ở góc chuồng bò của hàng xóm.
Thương người phụ nữ hết lòng với chồng con, Chi hội phụ nữ thôn Thuận Đức, Hội LHPN xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) thường xuyên vận động hội viên, phụ nữ, nhà hảo tâm tặng quà nhằm san sẻ phần nào sự vất vả của chị Kiều trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: N.T
Rồi hai đứa con - 1 trai 1 gái lần lượt ra đời và lớn lên, vợ chồng đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Năm 2003, chị chắt chiu che được cái nhà nhỏ, vợ chồng khấp khởi mừng, động viên nhau ráng làm để có số vốn làm ăn thì năm 2005 em trai của anh bị tai nạn bể xương sọ. Lo cho em trai chưa ổn thì năm 2008, anh lại bị tai nạn gãy cột sống. Chị nhớ năm đó con gái học lớp 8, con trai học lớp 4, anh sang giúp nhà hàng xóm tháo mái nhà cũ bị hư hỏng nặng để xây mới, không ngờ dậm trúng cây gỗ mục, anh ngã từ trên cao xuống đất. “Bác sĩ bảo anh bị liệt từ phần mông xuống chân, không thể đi lại được nữa. Mười mấy năm qua, một bên chân cứ sưng, viêm, chảy nước ra miết. Lúc đó tôi như con thoi, vô bệnh viện chăm chồng rồi chạy về nhà lo cho con, rồi phải thu xếp đi làm thuê kiếm tiền, nhận hàng về làm thêm cả đêm. Sợ nhất là bản thân bị đau, hôm nào thấy yếu người là mua thuốc bổ uống vào, mệt mấy cũng không dám nằm nghỉ”, chị Kiều kể.
Mình càng khổ thì càng phải cho con học hành đàng hoàng, để tương lai nó không còn khổ như mình.
Mấy hôm trước ghé thăm nhà anh chị, nhìn thấy nhà cửa khang trang, sạch sẽ, thoáng mát. Khoảnh sân trước nhà rộng rãi, dưới góc mái hiên, năm bảy chị em phụ nữ đang ngồi đan mây. Chị Kiều cho hay, chị nhận hàng nhiều hơn trước đây một chút để các chị em xung quanh cùng làm. Con gái lớn đã tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Bình Định, hiện làm điều dưỡng ở Bệnh viện Bình Định. Con trai đang học Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Mỗi ngày, anh luẩn quẩn trong nhà, phụ chị làm việc nhà. Còn chị Kiều thì đã quen tay quen chân nhiều năm qua, hết cho đàn heo, đàn bò ăn lại quay qua tưới nước đám rau, đám đậu, rồi ngồi cùng chị em đan mây, ráp khung sắt. Chị Võ Thị Kim Tuyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thuận Đức cho biết, gia đình chị Kiều - anh Nam vừa thoát hộ nghèo năm 2020. Tiền vay vốn từ ngân hàng chính sách cũng đã trả 20 triệu đồng, chỉ còn nợ 30 triệu đồng nhưng thời gian đến hạn còn xa.
Lành hay rách cũng vẫn thương
Cũng từng “bụng mang dạ chửa” đứa con thứ ba phải vào nhà xác bệnh viện nhận mặt chồng mất do TNGT lúc mới 26 tuổi nên Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thuận Đức Võ Thị Kim Tuyến rất thương và chia sẻ với chị Kiều. “Ai cũng đoán chồng của Kiều phải sống thực vật, nhưng chưa khi nào tôi thấy em ấy hết hy vọng. Đưa chồng về nhà, Kiều tự làm nẹp, tập chồng lết từng chút một, vẻ mặt lúc nào cũng tươi vui trước chồng con dù đêm đêm tủi thân khóc thầm bởi những ngày gặp lúc trái gió trở trời, chồng khó ở trong người nói lời khó nghe”, chị Tuyến cho hay.
Hơn một năm qua, khi các con dần ổn định việc học, việc làm, có đồng ra đồng vô, chị Kiều tăng cường bồi dưỡng cho chồng, nhờ vậy, sức khỏe của anh Nam đang được cải thiện đáng kể. Ngồi nghe chị kể về những gian lao, cực nhọc đã từng trải qua, cảm giác chị đón nhận chúng với thái độ và suy nghĩ rằng đó là những thử thách không thể tránh trong đời người. “Tôi không có gì nuối tiếc cả, càng không bao giờ có sự mảy may, so sánh thiệt hơn. Vì điều gì ư? Vì thương chồng, thương con, vì hạnh phúc gia đình nên phải luôn cố gắng. Tôi không phải là kiểu người cam chịu, đầu hàng số phận, chịu đựng bất công mà luôn tìm cách tháo gỡ khó khăn để sống vươn lên. Vợ chồng tôi mỗi người một chút nhường nhịn, dung hòa, góp ý, chia sẻ với nhau rất nhiều điều trên tinh thần bình đẳng, yêu thương, hợp tình hợp lý, để còn làm gương cho con”, chị Kiều trải lòng.
Chỉ duy nhất một lần thấy chị tỏ ra nghẹn ngào là khi nhắc đến chuyện “nhiều người bảo tôi đã khổ mà còn cho hai con học hành chi nhiều, thậm chí một số ít người còn thách tôi không thể nuôi con ăn học đến nơi đến chốn được” - chị nhớ vậy. Chị thì nghĩ khác, đợi mãi đến tận bây giờ, sau khi các con ổn định, chị cất lại căn nhà thì mới dám nói ra những suy nghĩ lâu nay với mọi người. “Giờ thì tôi vui lắm, mừng lắm. Chồng tôi thì lành - rách gì tôi cũng vẫn yêu thương. Hai con có ý thức học tập, phát triển bản thân, sống vươn lên. Tôi sợ nhất điều gì à? Sợ nhất là bản thân bị đau, ai lo cho ảnh bằng mình được” - chị nắm chặt tay chồng trìu mến nói lời yêu thương tự đáy lòng mình.
NGỌC TÚ