Ai về Nhơn Phúc...
Nằm cách TP Quy Nhơn hơn 30 km, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn có nhiều di tích văn hóa, tâm linh mang đậm nét cổ xưa và các làng nghề truyền thống lâu đời, có thể là một “điểm đến” thú vị để bạn trải nghiệm, thư giãn dịp cuối tuần.
Thôn An Thái là nơi có nhiều di tích văn hóa, tâm linh cổ kính để bạn tìm hiểu. Di tích Chùa Bà (hay Ngũ bang Hội quán), nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu, xây cách nay gần 150 năm bởi cộng đồng người Hoa thuộc 4 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông và những người Minh Hương tân thuộc từng định cư tại đây chung tay dựng nên. Xưa kia người địa phương thường tổ chức Lễ hội Đổ Giàn tại Ngũ bang Hội quán để lưu giữ cầu quốc thái dân an, làm giàu thêm cho nền văn hóa vốn đã đa dạng nơi đây.
Di tích Chùa Bà (hay Ngũ bang Hội quán) được xây dựng cách nay gần 150 năm đang được đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gần đó là chùa Bà Hỏa (hay chùa Bà Sau) được dân làng An Thái xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII sau một vụ hỏa hoạn lớn. Cách đó không xa mấy là một ngôi chùa có lối kiến trúc cổ xưa khác là chùa An Hòa (hay còn gọi là chùa Bà Trước) tạo lập năm 1760, do lớp người cựu thuộc Minh Hương chủ yếu từ các họ Lâm, Trịnh, Quách sống tại Trang An Hòa (một địa danh thuộc xã Nhơn Phúc thời đó) đóng góp xây dựng. Ngôi chùa này là một di tích lịch sử gắn liền với việc khẩn hoang lập làng. Trước cổng chùa còn nền móng, bức bình phong, hai trụ biểu được đắp hoa văn, khảm mẻ công phu đặt hai tượng kỳ lân toát lên sự uy nghi.
Miếu Quan Thánh (hay Chùa Ông) với nét kiến trúc độc đáo được gìn giữ đến nay. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Di tích khác là miếu Quan Thánh (người dân gọi là Chùa Ông) khai sơn năm 1919 do nhân dân thuộc Trang Xuân Quang (địa danh thuộc xã Nhơn Phúc lúc bấy giờ) và tập thể người Hoa dòng Minh Hương tân thuộc, chủ yếu họ Tạ, họ Thái, họ Diệp quyên góp xây dựng thờ Quan Công.
Đến thôn Thái Thuận, ngang qua ngôi đình Thái Thuận còn nguyên dấu tích cổng đình xưa cũ với nền móng được xây bằng đá ong, cánh cổng gỗ còn giữ nguyên nét cổ kính, trước cổng đình có cây me cổ thụ tỏa bóng mát. Ngôi đình được người dân trùng tu lại, nhưng cổng đình, tường rào vẫn giữ lại nguyên vẹn dấu tích xưa.
Vườn cây kơnia cổ thụ tại thôn Hòa Mỹ là điểm check-in hấp dẫn du khách khi đến Nhơn Phúc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khi đến Nhơn Phúc bạn đừng quên về thôn Hòa Mỹ, nơi nhiều năm qua người dân ở đây cùng nhau giữ được 26 cây kơnia (cây cầy) cả trăm năm tuổi - một loại cây mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên - nhưng lại đâm chồi, nảy lộc và sừng sững trên đất Nhơn Phúc. Có những cây kơnia cổ thụ lớn phải 4 người ôm mới xuể, bộ rễ cây chằng chịt bò trên đất, gốc cây có nhiều hốc hang đẹp mắt. Giờ đây với người dân thôn Hòa Mỹ, đây là “báu vật” của thôn cùng chung tay bảo vệ cây.
Chùa An Hòa (hay chùa Bà Trước) khai sơn năm 1760 là một di tích lịch sử gắn liền với việc khai hoang lập làng, với phong trào chàng Lía, phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ XVIII. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chiều xuống, ghé qua bãi bồi dọc sông Côn tại thôn An Thái, hình ảnh những vỉ bánh tráng, vỉ bún với sắc trắng vàng bắt mắt được xếp ngay ngắn phơi dọc bờ sông khiến bạn phải ghi lại những khung hình đẹp của một làng nghề. Dừng chân tại đây, phóng tầm mắt là cả một khung cảnh làng quê yên bình, xa xa những dãy nhà nằm uốn lượn quanh những con đường làng được tráng nhựa phẳng phiu, đồng lúa xanh bạt ngàn rì rào trong gió, lũy tre làng in bóng dưới lòng sông; hít một hơi gió nồng nàn căng tràn trong lồng ngực, tự thấy lòng thanh thãn đến lạ.
Một ngày dạo chơi Nhơn Phúc, ngoài check-in nhiều danh thắng đẹp, bạn còn có thể thưởng thức các món ăn được lưu truyền từ xưa đến nay, như: Bún Song Thằn, tàu hũ, tàu sa… và cảm nhận những nét đặc trưng rất riêng của vùng đất này.
NGỌC NHUẬN