Ðào tạo chức danh thuyền viên tàu cá: Chuyển biến tích cực, cần tiếp tục quan tâm
Thời gian qua, các lớp đào tạo chức danh thuyền viên tàu cá trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản 2019, Thông tư 22/2018 của Bộ NN&PTNT đã thu hút thêm được nhiều ngư dân tham gia. Tuy nhiên so với thực tế, còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm để công tác này đạt kết quả tốt hơn.
Tích cực đào tạo mới
Thông tư 22/2018 của Bộ NN&PTNT (hiệu lực từ ngày 1.1.2019) quy định những người đảm nhận các chức danh thuyền viên tàu cá phải có văn bằng, chứng chỉ các hạng theo nhóm tàu. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình cho biết: Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp đào tạo chức danh thuyền viên tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân tham gia. Lớp học diễn ra tại các xã, phường ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn, là những địa phương có nhiều tàu cá, tập trung ngư dân. Thời gian tổ chức phù hợp thực tế theo đề xuất từ địa phương, ngư dân để không ảnh hưởng đến việc họ đi biển.
Thông tư 22/2018 của Bộ NN&PTNT quy định những người đảm nhận các chức danh thuyền viên tàu cá phải có văn bằng, chứng chỉ các hạng theo nhóm tàu. Quy định nhằm giúp những chuyến đi biển của ngư dân được an toàn.
- Trong ảnh: Anh Phạm Văn Tâm (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ BĐ 91388-TS. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 5.951 tàu cá hoạt động khai thác; trong đó, tàu từ 6 m đến dưới 12 m có 1.588 tàu, từ 12 m đến dưới 15 m có 1.124 tàu, từ 15 m trở lên có 3.239 tàu. Nếu mỗi tàu đảm bảo đúng quy định các chức danh thuyền viên, thì các tàu cá trong tỉnh cần tổng cộng 13.523 thuyền trưởng, máy trưởng các hạng, thợ máy. Tuy nhiên, tổng số đã qua các lớp đào tạo nêu trên chỉ có 4.474 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Viện KH&CN khai thác thủy sản (thuộc Trường ĐH Nha Trang) tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho 63 thuyền trưởng tàu cá hạng II, 51 máy trưởng tàu cá hạng II, 25 thợ máy ở các địa phương trong tỉnh. Tính chung từ năm 2019 đến nay đã đào tạo được 696 thuyền trưởng hạng II, 802 máy trưởng hạng II, 363 thuyền trưởng hạng III, 52 máy trưởng hạng III, 2.861 thợ máy.
Rà soát, chuyển tiếp ngư dân đã được đào tạo
Thực tế, rất nhiều ngư dân trong tỉnh đã tham gia các lớp đào tạo chức danh thuyền viên tàu cá trong nhiều năm trước khi áp dụng Thông tư 22/2018. Trong Điều 45 Thông tư 22/2018 cũng quy định chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng và quy định chuyển tiếp cụ thể. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), cho biết: “Năm 2020, địa phương chúng tôi phối hợp tổ chức lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, tham gia phần lớn là học viên đến từ các phường Hải Cảng, Đống Đa, Trần Phú... còn ở Nhơn Lý thì chỉ có một số ít. Bởi trước khi có Thông tư 22/2018, nhiều ngư dân Nhơn Lý đã được đào tạo các chức danh thuyền viên tàu cá thông qua các dự án. Hiện Nhơn Lý có hơn 250 tàu cá, phần lớn cơ bản đáp ứng quy định về chức danh thuyền viên tàu cá”.
Còn ngư dân Phan Thanh Tỉnh (46 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ91063-TS, chia sẻ: “Tôi và máy trưởng của tàu tôi đều có chứng chỉ hạng IV của Trường ĐH Nha Trang cấp từ cuối năm 2010, theo Thông tư 22/2018 thì tương đương chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng I hiện nay. Quy định thì phải chấp hành, hơn nữa việc học này cũng thêm kiến thức cần thiết. Hồi trước chúng tôi đi học tại Nha Trang tốn kém thêm chi phí ăn, ở. Nay có các lớp mở trong tỉnh thì anh em ngư dân đi học thuận lợi hơn...”.
Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê cụ thể số lượng ngư dân đã được cấp chứng chỉ về các chức danh thuyền viên tàu cá trước khi áp dụng Thông tư 22/2018 và số người vẫn tham gia các tàu cá đi khai thác thủy sản là bao nhiêu, để làm cơ sở tính tổng số người phải thực hiện quy định chuyển tiếp. Đây là vấn đề ngành Thủy sản cần quan tâm, nhất là đối với nhóm tàu cá đánh bắt xa bờ (chiếm 54,4% số tàu cá trong tỉnh), nhằm giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EU.
HOÀI THU