Hoài Ân phát triển nông nghiệp hàng hóa
Trong những năm gần đây, Hoài Ân là địa phương có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó chú trọng vào thế mạnh địa phương để xây dựng và hình thành vùng chăn nuôi tập trung, vùng trồng cây ăn trái tập trung.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Hoài Ân kiểm tra một mô hình trồng cây ăn trái theo hướng kết hợp du lịch trên địa bàn huyện. Ảnh: THU DỊU
Để phát triển cây ăn trái trên đất trung du, huyện Hoài Ân mời chuyên gia từ Viện nghiên cứu KHKT Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch vùng đất, nghiên cứu thổ nhưỡng, cây trồng phù hợp với địa phương. Từ đó, huyện xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển các cây trồng thế mạnh giai đoạn 2016 - 2020, hình thành vùng cây ăn trái trên đất trung du.
Sớm đưa vào hoạt động Trung tâm tập kết động vật xã Ân Phong
Theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, từ nay đến cuối năm, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm tập kết động vật tại xã Ân Phong (quy mô 2,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng). Đồng thời, các đơn vị liên quan tiến hành thống kê, rà soát, lập danh sách các điểm giết mổ, mua bán, tập kết động vật, hướng dẫn các chủ cơ sở cam kết đưa vào hoạt động tại Trung tâm tập kết động vật xã Ân Phong.
Đến nay, Hoài Ân có tổng đàn heo 279.543 con, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò là 20.380 con, tăng 10%; tổng đàn gia cầm 851.700 con, tăng 59%.
Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện gần 2.000 ha, trong đó, mô hình thí điểm trong đề án với nhóm cây trồng chủ lực là bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, mít Thái... khoảng 75,2 ha. Ngoài ra, nhiều nhà vườn đầu tư trồng thêm một số giống cây mới như dâu, sầu riêng, thanh long, bưởi rubi… theo hướng kết hợp du lịch nông nghiệp. Ông Đặng Văn Cấp (xã Ân Tường Tây), chủ trang trại trồng tiêu kết hợp với giống cây ăn trái hơn 12 ha, chia sẻ, gia đình ông được tiếp cận nhiều gói hỗ trợ từ địa phương (vật tư, giống, kỹ thuật canh tác) để phát triển sản xuất. Trong năm 2021, huyện tiếp tục hỗ trợ để gia đình xây dựng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP. Sắp tới, khi được hỗ trợ làm hệ thống giao thông, nhà vườn quy hoạch khu tham quan, khu sản xuất riêng phục vụ du khách.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, sau quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm (áp dụng kỹ thuật canh tác theo chuẩn VietGAP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản), Hoài Ân sẽ tập trung cho kết nối tiêu thụ nông sản - trước mắt tổ chức Ngày hội nông sản của huyện (khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt). “Theo tính toán của chúng tôi, 2 năm tới, vùng cây ăn trái của Hoài Ân đồng đều về chất và lượng, đủ cung ứng sản phẩm cho những hợp đồng lớn của DN phân phối, bán lẻ, siêu thị trong tỉnh. Đây là lúc mà cả người dân và chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ cho bước phát triển ổn định sau này với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện”, ông Tín cho hay.
Thế mạnh của Hoài Ân là các mô hình nông nghiệp trang trại quy mô lớn theo hướng kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. Huyện đang xin chủ trương chuyển đổi khoảng 1.700 ha đất lâm nghiệp sản xuất sang đất nông nghiệp khác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trang trại của người dân. Hướng đi dài lâu là nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay: “Hãy hình dung thế này, bây giờ người dân có 1 vườn bưởi bán trái được 1 đồng, sau này cũng trên vườn bưởi đó kết hợp cho khách tham quan, thu hoạch bưởi, bán cho du khách… giá trị không còn là 1 đồng nữa mà tăng lên nhiều lần. Để làm được điều đó, chủ lực vẫn là người nông dân, quan trọng là định hướng của cơ quan quản lý, hỗ trợ tốt cho nông dân trong phát triển kinh tế”.
THU DỊU