Bình Ðịnh cải thiện chỉ số Cải cách hành chính
Sau khi tụt hạng nghiêm trọng (đứng thứ 59/63 tỉnh, thành vào năm 2017), chỉ số Cải cách hành chính của Bình Ðịnh liên tục cải thiện, đến năm 2020 đã vươn lên vị trí 31.
Kết quả khả quan
Ngày 24.6, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 và Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2020 được công bố tại Hội nghị, với chỉ số 83,9%, Bình Định đứng thứ 31/63 tỉnh thành, tăng 15 bậc so với năm 2019.
Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020
Kết quả đánh giá các chỉ số thành phần của tỉnh Bình Định lần lượt là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 87,7%; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật 86,5%; Cải cách thủ tục hành chính 82,5%; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 75,3%; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 83,4%; Cải cách tài chính công 83,7%; Hiện đại hóa nền hành chính 94,2%; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh 78,7%.
Đáng chú ý, ở chỉ số thành phần Hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 (tăng 18,19% so với năm 2019). Bình Định đứng thứ 2 cả nước (sau Bắc Giang), đứng đầu trong 14 tỉnh của khu vực Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung về chỉ số này.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Định luôn xác định một trong những mục tiêu quan trọng của công tác CCHC của tỉnh là phải liên tục cải thiện và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PAR INDEX. “Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và DN. Qua đó đã phát huy nội lực, thu hút tốt nguồn lực bên ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh”, ông Tuấn khẳng định.
Phân cấp, phân quyền hợp lý
Trên cơ sở kết quả PAR INDEX 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới để phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế. Trong đó, trọng tâm là có giải pháp đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.
Bình Định có mức tăng trưởng ấn tượng về chỉ số thành phần “Hiện đại hóa nền hành chính” trong năm 2020 (tăng 18,19% so với năm 2019).
- Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng hình thức trực tuyến (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.V.T
“Chú trọng khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030 để làm căn cứ cho các địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình về CCHC phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, lộ trình của Chính phủ đề ra. Kiến nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp, hoàn thiện và sớm ban hành Bộ chỉ số CCHC phù hợp với thực tế triển khai Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường ứng dụng công nghệ số, tăng số lượng mẫu, phạm vi khảo sát, đánh giá Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương. Chú trọng đến quy định về phân cấp, ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị công chức thừa hành chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
“Chẳng hạn, phân cấp cho trưởng phòng TN&MT cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp đổi, biến động. Ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ký xác nhận khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, các văn bản chứng thực tại UBND cấp xã...”, ông Lê Minh Tuấn nêu ví dụ.
Ngày 27.6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ký Công văn 3756/UBND-KSTT giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nội dung Báo cáo kết quả Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR Index năm 2020, tiến hành phân tích, đánh giá những vấn đề còn tồn tại, hạn chế (nhất là các tiêu chí giảm điểm, mất điểm), xác định rõ nguyên nhân gắn với trách nhiệm thực hiện cụ thể. Trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện, cải thiện vị trí xếp hạng các Chỉ số nêu trên của tỉnh trong các năm tiếp theo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu Chương trình hành động của Tỉnh ủy về CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất ngày 25.7.2021.
NGUYỄN VĂN TRANG