Bộ quy tắc ứng xử - “bộ lọc” trên mạng xã hội
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành ngày 17.6.2021 được kỳ vọng là “bộ lọc” hữu hiệu, góp phần làm cho không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (sau đây gọi là BQT) áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội (MXH); tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam.
Trẻ em cần được bảo vệ trên không gian mạng. Ảnh: MAI LÂM
BQT đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin); Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
BQT khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh.
BQT khuyến cáo cá nhân, tổ chức sử dụng MXH nên sử dụng họ, tên thật cá nhân; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, tin sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Ngọc Thái, BQT hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
“Điểm đáng chú ý là theo yêu cầu từ BQT, nhà cung cấp MXH phải có hướng dẫn người sử dụng MXH, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…) sử dụng MXH an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên MXH... Đây là yêu cầu rất quan trọng trong bối cảnh mặt trái của MXH gây ra nhiều tác hại cho người dùng”, ông Thái phân tích.
BQT đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người chia sẻ nội dung của BQT, kêu gọi người dùng MXH “có trách nhiệm”, “gạn đục khơi trong”, dọn bớt “rác” trên không gian mạng.
Chị Thu Hường (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cho rằng, BQT đưa ra nhiều yêu cầu thiết thực, góp phần làm cho MXH ngày càng trong sạch hơn. “Nhiều lúc lướt mạng chưa kịp xem bạn bè đăng tải những gì thì vô số quảng cáo thuốc điều trị yếu sinh lý, ứng dụng nhảm nhí… hiện lên dày đặc, xóa cái này lại hiện lên cái kia. Một mình nuôi 2 con nhỏ, nhiều lúc bận bếp núc, các con tự coi điện thoại, ipad. Kiểm tra xem thì lại giật mình trước những clip xàm xí, độc hại trên Tik tok, Facebook, Youtube”, chị Hường chia sẻ.
Còn anh V.T.S. (công chức, ở TP Quy Nhơn) cho biết, mới đây anh phải “đính chính” trên trang Facebook cá nhân về một trang mạo danh. Anh nói: “Tôi từng bị giả mạo trang Facebook, tài khoản ảo này đã đóng vai tôi mượn tiền bạn bè. Nay lại có thêm một tài khoản khác với hình ảnh, thông tin của tôi liên kết với những trang có nội dung rất phản cảm. Hy vọng BQT sẽ góp phần hạn chế được tình trạng này”.
MAI LÂM