Trần Tuyết Hàn và hành trình... “xuyên không” về thời nhà Trần
Phát triển từ đồ án tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa bảo vệ tại Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào năm 2019, Trần Tuyết Hàn (SN 1996, quê ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) - hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh - cho ra đời tác phẩm sách ảnh nghệ thuật (artbook) mang tên “Hành trình Đông A”. Tháng 4.2021 Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành và tập sách đã gây được sự chú ý lớn do cách trình bày, truyền tải thông điệp mới mẻ, lôi cuốn.
Tác giả Trần Tuyết Hàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Hành trình Đông A” được tác giả Trần Tuyết Hàn thể hiện theo cách hóa thân của mình vào nhân vật Trần Đông A để “xuyên không” về quá khứ, chứng kiến lịch sử hào hùng của dân tộc và kể lại bằng những nét vẽ theo lối khắc gỗ mới mẻ. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả xoay quanh tác phẩm “Hành trình Đông A”.
Cơ duyên nào đưa bạn đến với ý tưởng thực hiện tác phẩm “Hành trình Đông A”?
- Tôi hoàn thành tác phẩm “Hành Trình Đông A” dựa trên đồ án tốt nghiệp đại học vào năm 2019 của mình. Ấp ủ “đứa con tinh thần” của mình trong gần ba năm kể từ lúc làm đồ án đến khi hoàn thiện thành cuốn sách ảnh lịch sử, khi được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tôi rất vui. Ngay từ đầu, tôi đã đề ra 2 mục tiêu phải thực hiện là bảo vệ thành công đồ án và chuyển hóa để đưa ra thị trường như một cuốn sách.
Thú thật là tôi rất thích họ Trần, thích cái tên Trần Tuyết Hàn được ba mẹ đặt cho và rất thích làm sách. Vì thế tôi muốn chọn đề tài cho cuốn sách đầu tiên là sách kể chuyện lịch sử, mà ở đó sẽ trả lời được câu hỏi: Mình biết gì về họ Trần?”
Quê hương Bình Định có tạo cho bạn cảm hứng nào không khi bạn nuôi ý tưởng ngược dòng lịch sử “xuyên không” về thời đại Đông A?
- Tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn khi được sinh ra ở Bình Định là vùng “đất Võ, trời Văn”. Thuở nhỏ, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về chiến công hiển hách của ba anh em Tây Sơn đánh Nam dẹp Bắc, thống nhất đất nước, lãnh đạo dân tộc chống giặc ngoại xâm lập nên vương triều Tây Sơn lẫy lừng. Tôi cũng đọc và được học về hậu tổ tuồng tài ba Đào Tấn, được đến thăm nơi nhà thơ Xuân Diệu đã trải qua thời thơ ấu… Dường như chất văn - hồn võ của quê hương thấm đẫm vào tâm trí để rồi khi viết - vẽ “Hành trình Đông A”, tôi cứ như tự động mềm mại thể hiện trong từng nét cọ, nhẹ nhàng trong lời viết và cũng có chút mạnh dạn khi lựa chọn một đề tài được nhiều thầy cô nhận định là sẽ mất rất nhiều công sức truy tầm tài liệu nếu muốn đạt kết quả tốt. Rất may mắn là cuối cùng nỗ lực của tôi đã thành công.
Tác phẩm Artbook “Hành trình Đông A” vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 4.2021. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Hành trình Đông A” được xuất bản khi tôi vừa tròn 24 tuổi, với một cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học, còn thiếu nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu cả về tạo hình nhân vật, viết truyện, nên tôi dành nhiều thời gian nhất có thể để đọc sách, đọc sử, nghiên cứu tư liệu nhiều hơn. Vì là tác phẩm đầu tay nên ngay từ khi chuẩn bị bản thảo tôi mất khá nhiều thời gian, gặp không ít khó khăn, nhưng chính sự động viên của cha mẹ, sự giúp đỡ của quý thầy cô trong trường và sự hỗ trợ tận tình của các biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi đã gỡ dần từng mắc míu một.
Bạn muốn gửi gắm điều gì với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ không?
- Tôi muốn chia sẻ rằng, khi hiểu rõ hơn về lịch sử mình sẽ biết cách trân quý và phát huy những giá trị tinh thần thiêng liêng, từ đó trong mỗi người sẽ có nguồn nội lực rất lớn để sống, để làm việc. Như tôi đã chia sẻ ở trên, khi làm đồ án khoa học và làm sách “Hành trình Đông A” tôi muốn trắc nghiệm “mình biết gì về họ Trần?”. Khi làm xong tôi mong được các bạn chia sẻ, cùng nhau chia sẻ để thêm yêu dân tộc mình, lịch sử hào hùng của dân tộc mình.
Theo tôi, việc đến với lịch sử phải thật gần gũi, tự nhiên để mọi người hiểu được, thêm yêu về cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc được ông cha ta tạo lập trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, để ngày hôm nay chúng ta được sống trong một đất nước yên bình, hội nhập và phát triển.
Sau “Hành trình Đông A” tôi cũng đã có khá nhiều ý tưởng để bắt tay vào thực hiện tác phẩm sách sử kế tiếp. Điều tôi quan tâm nhất, đó là nội dung, hình ảnh tác phẩm kế tiếp sẽ được trau chuốt, tỉ mỉ hơn, giữ được nét đặc trưng sáng tác của riêng mình mà không rời xa độc giả. Tôi tự dặn lòng sẽ bắt tay sáng tác tác phẩm về quê hương Bình Định của mình, với tôi đây là một vinh dự rất lớn trong đời.
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)