Ứng phó dịch bệnh viêm da nổi cục: Ðẩy mạnh tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc tại Bình Ðịnh tiếp tục lan rộng. Ngành Thú y tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia súc, tuyên truyền người dân tuân thủ phác đồ điều trị và chăm sóc gia súc.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện dịch bệnh viêm da nổi cục tại các xã Cát Thành, Cát Khánh (huyện Phù Cát) - 2 địa phương đầu tiên trong tỉnh bùng dịch, đã được khống chế; trải qua 8 ngày (ghi nhận đến 27.6) không có tình trạng bò mắc bệnh, chết.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục tại xã An Hòa, huyện An Lão. Ảnh: N.V.QUỐC
Tuy nhiên, các địa phương mới phát dịch đầu tháng 6.2021 lại đang bước vào giai đoạn dịch bùng phát mạnh, với số trâu, bò mắc bệnh thể nặng xuất hiện các khối cục, u lớn ở vùng cổ, bụng, khớp chân, gây khó khăn cho công tác điều trị. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia súc, nhất là số bò, bê đang mắc bệnh, dẫn đến kiệt sức, chết.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết, địa phương đã chủ động các giải pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời khoanh vùng các ổ dịch. Đến nay, địa phương đã phân bổ 552 lít hóa chất, 20 tấn vôi bột để các xã phun, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; tiêm vắc xin cho 19.700 con bò, đạt 84,4% tổng đàn gia súc của huyện. Với tổng đàn gia súc lớn, huyện còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi; mặt khác hướng dẫn cho khoảng 800 hộ chăn nuôi quy mô lớn, trang trại sử dụng phần mềm Te-Food quản lý chăn nuôi và bảo vệ đàn gia súc.
Xuất hiện ngày 27.4.2021 tại thôn Phú Trung (xã Cát Thành, huyện Phù Cát), tính đến ngày 24.6, dịch bệnh viêm da nổi cục đã lan rộng với 9.936 con bò mắc bệnh (chiếm 3,1% tổng đàn trâu, bò) của 6.773 hộ, ở 134 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số bò đã điều trị khỏi triệu chứng là 4.939 con; số bò đang chăm sóc, điều trị 4.201 con và số bò chết, xử lý tiêu hủy là 796 con.
Tại huyện Phù Mỹ, ngay khi bệnh viêm da nổi cục xuất hiện, lực lượng thú y huyện nhanh chóng khoanh vùng, làm việc với thú y cơ sở, địa phương, hộ chăn nuôi để thực hiện công tác điều trị cho đàn gia súc. Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, đáng ghi nhận là nhiều hộ chăn nuôi ý thức cao, chủ động mua vắc xin tiêm ngừa để bảo vệ cho đàn gia súc, hiện đã đạt 85% tổng đàn của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, trước tình hình dịch phức tạp, ngành Thú y tỉnh trực tiếp về cơ sở, phối hợp với đội ngũ thú y ở các địa phương triển khai công tác khoanh vùng dịch, hướng dẫn vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân chủ động tiêm vắc xin cho gia súc. Trong sáng 29.6, đoàn về trực tiếp tại huyện Tuy Phước kiểm tra, giải phẫu bò mắc bệnh để có thêm cơ sở cần thiết điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng cho hay, đến ngày 24.6, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm vắc xin cho 157.789 con gia súc, đạt hơn 58,9% tổng đàn (gồm vắc xin nhà nước hỗ trợ và người dân tự mua tiêm). Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục liên hệ mượn vắc xin để cung ứng kịp thời cho các địa phương, phục vụ công tác tiêm phòng; giao trách nhiệm cán bộ đứng chân bám sát địa bàn đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tiêm phòng, tiêu độc sát trùng, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh tại các địa phương. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ thêm thuốc sát trùng; hướng dẫn thực hiện các thủ tục công bố dịch cấp tỉnh, tạo điều kiện cho tỉnh được chỉ định thầu vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc.
THU DỊU