SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH:
Khắc phục những bất cập
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế qua hơn 8 năm thi hành trong thực tế.
Luật cũ: Nhiều quy định thiếu khả thi
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Nghị định số 81/2013/ NĐ-CP hướng dẫn và thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 (sau này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) đã phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, các biện pháp xử lý hành chính ít được các cơ quan chức năng sử dụng do quy định điều kiện áp dụng các biện pháp trên còn thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Điển hình, đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải vi phạm 2 lần trở lên trong 6 tháng; đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc phải vi phạm 2 lần trở lên trong 6 tháng và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; điều kiện để xác định đối tượng nghiện ma túy theo quy định khó thực hiện. Ngoài ra, trình tự thủ tục chuyển hồ sơ đối với biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cũng còn tồn tại nhiều bất cập, thủ tục lòng vòng, tốn nhiều thời gian.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều bổ sung quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật. - Trong ảnh: Xử lý một trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực ATGT. Ảnh: SAO LY
Bên cạnh đó là khó khăn xung quanh việc chưa quy định rõ trách nhiệm xử phạt của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp trong trường hợp hành vi vi phạm của đối tượng thuộc nhiều chủ thể xử phạt khác nhau. Trên thực tế, một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực lập biên bản nhưng lại không trình cấp quản lý trực tiếp ra quyết định xử phạt mà giao cơ quan quản lý hành chính nhà nước (UBND các cấp) ra quyết định xử phạt. Chẳng hạn, ngành Điện lực có cơ quan quản lý ngành trực tiếp là Sở Công Thương, nhưng lại lập biên bản trình UBND cấp xã ra quyết định xử phạt.
Đặc biệt, thẩm quyền lập biên bản của công chức cấp xã lâu nay còn hạn chế. Hiện nay, các đội phản ứng nhanh giúp UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống dịch, nhưng những công chức thi hành công vụ này lại không có thẩm quyền lập biên bản mà bắt buộc phải là nhân viên y tế hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 67/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13.11.2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2022 (sau đây gọi là Luật).
Điều 1 của Luật đã bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy... Đây là sự bổ sung quan trọng để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật.
Đáng chú ý, Luật còn bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC. Luật cũng bổ sung thêm 8 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Để triển khai thi hành Luật toàn diện, thống nhất, hiệu quả, ngày 24.6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, thực hiện Kế hoạch này, Sở Tư pháp sẽ chủ trì tổ chức hội nghị quán triệt việc thi hành Luật cho các cơ quan, đơn vị của HĐND, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quý III - IV/2021. Cùng thời gian trên, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua nhiều hình thức khác nhau (hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng…).
Trong quý IV/2021, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành cho phù hợp với Luật. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn chuyên sâu và bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý VPHC cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xử lý VPHC tại các sở, ngành, UBND các cấp.
Ông Toàn nhận định, việc triển khai Kế hoạch sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC trong giai đoạn hiện nay. Để đạt kết quả cao nhất, cần phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực; sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm giữa các đơn vị, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật.
SAO LY