Luật quy định phải chấp hành
Vậy là sau 3 đợt phòng ngừa, ngăn chặn an toàn, ở đợt thứ 4 bùng phát dịch Covid-19, Bình Định đã có những ca lây nhiễm đầu tiên. Buộc phải chấp nhận thực tế này, có lẽ mọi người dân trong tỉnh đều cảm thấy tiếc, nhưng không hề bị động, bất ngờ khi mà trước đó các tỉnh giáp ranh, lân cận đều có dịch, nguy cơ xâm nhập vào tỉnh là bất cứ lúc nào.
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm mới và hết sức phức tạp có mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Mỗi người đứng trước bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, quyền công dân và việc đối phó không còn là câu chuyện cá nhân nữa mà đã trở thành vấn đề, mối bận tâm chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Bất cứ ai khi mang một căn bệnh nào dù nặng, vì nhiều lý do, có quyền từ chối điều trị. Nhưng với Covid-19 hay những căn bệnh truyền nhiễm khác, mọi người đều phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch nếu không muốn bị pháp luật xử lý!
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, tại Điều 8 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh; Người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh và người mang mầm bệnh làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định của pháp luật; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định của Luật; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… Bên cạnh đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu cụ thể các hành vi kèm mức phạt, qua đó răn đe và khuyến khích người dân nêu cao ý thức chấp hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các hành vi thường vi phạm là: Không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh truyền nhiễm, phạt từ 10 - 20 triệu đồng; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh truyền nhiễm, phạt từ 30 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 60 - 80 triệu đồng đối với tổ chức; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phạt 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức, vi phạm nghiêm trọng hơn còn bị xử lý hình sự…
Có thể thấy, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ các quy định để người dân tìm hiểu, vận dụng thực hiện. Để tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh thực hiện sâu rộng qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức. Do đó, khi vi phạm, nguyên nhân phần nhiều là do thiếu trách nhiệm, cố tình, xem thường pháp luật, không coi trọng sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng hơn là không biết luật, không nắm quy định. Vì vậy thiết nghĩ, tất cả trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm theo quy định để đủ răn đe và bảo vệ thành quả phòng, chống dịch.
TƯỜNG MINH