Nhãn hiệu "Hành hương Phù Cát" được bảo hộ: Cơ hội & thách thức
Cuối năm 2020, sản phẩm hành hương Phù Cát được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Hành hương Phù Cát”. Đây là cơ hội để huyện Phù Cát nâng cao giá trị kinh tế của loại cây truyền thống này, song cũng đặt ra không ít thách thức.
Huyện Phù Cát hiện có 450 ha chuyên canh hành hương, chủ yếu trồng lấy củ, tập trung tại 2 xã Cát Hải và Cát Tài, với tổng sản lượng đạt 3.400 tấn/năm. Đây là một trong ba cây trồng chính có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Đặc biệt, hành hương Phù Cát được nhiều nhà vườn các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Gia Lai... chọn mua về để làm giống sản xuất đại trà.
Nhãn hiệu “Hành Hương Phù Cát” được bảo hộ là cơ hội để Phù Cát khai thác và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Ảnh: HỒNG HÀ
Để phát huy giá trị của nhãn hiệu sản phẩm địa phương được bảo hộ, UBND huyện Phù Cát đã yêu cầu các địa phương tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất hành tập trung; đồng thời, chú trọng quy trình và kỹ thuật, chọn giống có phẩm cấp và năng suất cao để đưa vào sản xuất, cải thiện năng suất cây hành. Hiện, huyện đang hoàn tất quy trình kỹ thuật sản xuất; bộ tiêu chí cơ sở; quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hành hương Phù Cát và triển khai áp dụng tại các địa phương. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đã khó, việc giữ nó còn khó hơn. Tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết và thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống của người dân dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, rất khó để hình thành nên các vùng sản xuất có quy mô lớn v à mang tính đột phá.
Tại xã Cát Tài, diện tích trồng hành tuy lớn nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, các hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ 10 - 12 sào. Thêm vào đó, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, phòng trừ dịch hại tổng hợp vào sản xuất còn rất hạn chế, làm phẩm cấp hành hương không thể đạt mức tối đa, hơn nữa còn nảy sinh một số vấn đề khó xử lý. Ông Đinh Văn Khì, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Thái Bình, xã Cát Tài bày tỏ sự trăn trở về tình trạng sâu ăn hành đang ngày một nặng hơn, gây thiệt hại cho người trồng hành ở địa phương. “Hiện chưa tìm ra loại thuốc nào có thể khống chế loại sâu gây hại của hành. Cái này chắc cũng vì mình đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật?” - ông Khì nói.
Theo ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, xã đã quy hoạch vùng sản xuất hành tập trung tại thôn Thái Bình với tổng diện tích 80 ha. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng diện tích trên các chân đất phù hợp với cây hành; thành lập nhóm cùng sở thích trồng hành theo hướng VietGAP sản xuất sản phẩm sạch, an toàn để cung cấp cho các siêu thị; tổ chức ký hợp đồng nguyên tắc bao tiêu sản phẩm giữa hộ dân với các đơn vị thu mua; đồng thời, hướng dẫn người dân chỉ sử dụng các loại phân bón trong danh mục cho phép.
Để tiếp sức cho cây hành hương tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, UBND huyện Phù Cát đã xây dựng, đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hành hương. Ông Võ Văn Tài, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Cát cho biết: Việc sản phẩm hành hương được chứng nhận bảo hộ trước hết là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của hành hương Phù Cát. Đó còn là lợi thế để huyện tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
HỒNG HÀ