45 năm Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất
Ngày 2.7.1976, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca, cụ thể lấy tên là nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng 5 cánh.
Sáng 2.7.1976, tại kỳ họp thứ I, Quốc hội Thống nhất đã thông qua Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô... (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Ngày 2.7.1976, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, Quốc hội quyết nghị lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (thay cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) với mục tiêu đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đây là sự kiện quan trọng, mang tính định hướng cho sự phát triển đất nước đồng thời là tiền đề, động lực để đạt được những thành tựu vẻ vang sau này của cả dân tộc.
Chính thức mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc.
Tuy nhiên, ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này, tháng 11.1975, đại biểu nhân dân hai miền Nam-Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị và quyết định “cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước.
Ngày 25.4.1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, khẳng định: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.
Với thắng lợi rực rỡ của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã được khai mạc vào 24.6.1976, với sự tham dự của 492 đại biểu của 38 tỉnh và thành phố trên cả nước.
Tại Kỳ họp, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đọc Báo cáo chính trị quan trọng “Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa”.
Báo cáo nêu rõ Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI là kỳ họp hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị của nước Việt Nam, mở ra một giai đoạn nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng trên Tổ quốc ta một xã hội đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến lên từng bước để thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Và ngày 2.7.1976, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca. Cụ thể: lấy tên là nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh; Quốc huy hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô là Hà Nội; Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Như vậy, từ Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân…, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy chông gai nhưng cũng đầy khí phách anh hùng, chiến thắng vẻ vang, để từ đây chính thức mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục tiêu đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những thành tựu đáng tự hào
Quốc hội khóa VI với sự kiện đổi tên nước là một sự kiện quan trọng, mang tính định hướng cho sự phát triển đất nước; đồng thời là tiền đề, động lực để toàn dân tộc cùng nỗ lực, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong giai đoạn 1976-1986, Việt Nam từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội, tăng cường một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.
Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng đáng kể với hàng trăm công trình tự động hóa và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ. Tuy vậy, tình hình kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế-xã hội vẫn trầm trọng.
Đại hội VI của Đảng tháng 12.1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước. Sau 35 năm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Lĩnh vực kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.
Đặc biệt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển.
Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như cà phê gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn.
Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; xuất siêu 19,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Việt Nam hiện xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Một góc TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng luôn chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng.
Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 9,45% năm 2010 và còn dưới 2,75% năm 2020. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Công tác giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia.
Việt Nam vừa có hai đại diện góp mặt trong Bảng xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới - Young University Rankings 2021 (do Tạp chí Times Higher Education - THE công bố) là Đại học Quốc gia Hà Nội, ở vị trí 251- 300 và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, vị trí 401+.
Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển. Nhờ đó, người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới, như: ghép chi, tim, gan, thận...; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm; chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh...
Việt Nam cũng tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với vị thế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác.
Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...
Đồng thời, Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19, và những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ…
Việt Nam đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo Minh Duyên (TTXVN/Vietnam+)