Chương trình tín dụng chính sách tại Vân Canh: Tiếp sức hộ nghèo phát triển kinh tế
Cùng với việc chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng chính sách rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, UBND huyện Vân Canh yêu cầu các ngành chức năng, hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, xem đây như một phần của gói hỗ trợ người vay. Nhờ vậy, vốn chính sách phát huy tốt hiệu quả.
Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng chính sách năm 2021, Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 27.6 tổng dư nợ của 6.559 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt mức 290,549 tỷ đồng.
Ông Hồ Đắc Hưng, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng chính sách. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho hay: Không phải cho người dân vay vốn là xong. Phối hợp với các hội, đoàn thể, chúng tôi còn hỗ trợ từ khâu làm hồ sơ, dự án đến việc giúp đồng bào lập kế hoạch sử dụng vốn vay, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa tích lũy trả nợ vay đúng hạn. Nhiều năm qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy chất lượng tín dụng tại Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh rất tốt, tỷ lệ thu hồi nợ đạt 99,6%.
Tôi đến thăm hộ ông Hồ Đắc Hưng, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, khách hàng của Ngân hàng CSXH huyện, đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong ngôi nhà ngói khang trang, ông Hưng tâm sự: Trước đây vùng này toàn nhà tranh vách đất. Đất đai rộng lớn, nhưng ngặt nỗi ai cũng nghèo, thiếu cả vốn và kỹ thuật, nên hiệu quả sản xuất thấp, năm nào cũng chịu cảnh thiếu ăn giáp hạt. Năm 2003, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 7 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và nhờ cán bộ ngành Nông nghiệp huyện tư vấn, hướng dẫn, tôi đã sử dụng vốn vay để đầu tư trồng 5 ha keo và mua heo giống về thả nuôi. Tiền bán keo và heo thịt tôi trả ngân hàng, số tiền còn dư sử dụng để đầu tư trồng lại rừng và tiếp tục chăn nuôi. Sau này, hễ kẹt vốn đầu tư là tôi lại đến Ngân hàng CSXH vay. Làm ăn tích góp, kinh tế phát triển dần, tôi trả nợ đúng hạn, xây nhà mới, lo cho các con ăn học chu đáo. Đến năm 2020, nhận thấy điều kiện kinh tế đã khá hơn nhiều hộ khác trong thôn, tôi đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Cũng thuộc diện hộ nghèo và nhiều lần được vay vốn từ Chương trình tín dụng chính sách, ông Trần Văn Ngọc, ở cùng khu phố Hiệp Hà đã trở thành tỷ phú. Ông Ngọc kể: “Năm 2007 tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh để trồng keo, chăn nuôi heo, bò. Lần hồi tiết kiệm để trả nợ và tái đầu tư đến năm 2018, tôi ra khỏi diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Từ đó gia đình tôi có đủ vốn để duy trì 5 ha keo, thả nuôi 10 con bò lai và 10 con heo nái. Ngoài ra, tôi mở đại lý bán thức ăn gia súc, nên tổng nhu nhập bình quân hằng năm đạt mức 1 tỷ đồng. Khi tiếp cận với vốn chính sách tôi chỉ mơ đủ ăn là mừng!”.
Nhiều năm qua, huyện Vân Canh đã đẩy mạnh chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Cùng với đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, hội, đoàn thể tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án, tổ chức tập huấn hướng dẫn các hộ vay vốn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết: Hàng quý, chúng tôi họp Ban đại diện để phân tích đánh giá kết quả chương trình tín dụng chính sách, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tế đời sống đồng thời triển khai các giải pháp tiếp theo. Điều đáng mừng là phần lớn các hộ vay vốn đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, có thu nhập cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Giai đoạn 2015 - 2020, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo tại Vân Canh giảm 6,54%.
PHẠM TIẾN SỸ