Niềm vui từ kênh tưới Thượng Sơn
Từ cuối năm 2020, khi kênh tưới Thượng Sơn hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào sử dụng, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa ở huyện Tây Sơn như được thổi vào sức sống mới. Niềm vui của người nông dân hưởng lợi từ kênh tưới đã lộ rõ từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021, giờ càng rõ ràng hơn trong vụ Hè Thu.
Nông dân có ruộng thuộc cánh đồng Dinh dùng máy bơm lấy nước tưới từ kênh Thượng Sơn. Ảnh: M.MIÊN
Hệ thống kênh tưới Thượng Sơn có tổng mức đầu tư 432 tỷ đồng (vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp và vốn đối ứng của tỉnh), triển khai thực hiện từ tháng 4.2018, bắt đầu vận hành vào cuối năm 2020. Quy mô công trình gồm đập dâng đầu mối và 63 km kênh, lấy nước từ kênh xả của thủy điện An Khê để tưới cho 3.632 ha đất sản xuất nông nghiệp của 7 xã, thị trấn phía Nam sông Côn thuộc huyện Tây Sơn (Tây Xuân, Tây Phú, Tây Giang, Bình Tường, Tây Thuận, Bình Nghi, Vĩnh An và thị trấn Phú Phong). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (17 km kênh chính, 22 km kênh nhánh, đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 1.768 ha đất canh tác), Xí nghiệp Thủy lợi 5 (thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định - đơn vị được giao quản lý, khai thác kênh tưới Thượng Sơn) đã ký hợp đồng cung cấp nước tưới cho 505 ha canh tác tại các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường và Tây Phú.
Trước đây, khoảng 20 ha đất thiếu nước ở cánh đồng Dinh thuộc thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận chỉ tận dụng để trồng mì, mía, người dân thu lãi chừng 1 triệu đồng/sào/năm; nhưng từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021 toàn bộ diện tích này đã phủ xanh các loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn như: Đậu phụng, đậu xanh, đậu đen, bắp… Bà Nguyễn Thị Cúc, ở xóm 3, thôn Thượng Sơn, hồ hởi: Trước đây 1 năm với 4 sào mía tôi lãi chừng 4 triệu đồng. Vụ vừa rồi nhờ có đủ nước tôi trồng 4 sào đậu phụng, chỉ 3 tháng thôi đã lãi tới 8 triệu đồng. Có đủ nước tưới rồi một năm làm được tới 3 vụ, lại có rất nhiều loại cây trồng để mình lựa chọn!
Không chỉ có người dân vui mừng mà những người làm công tác quản lý của HTXNN và Dịch vụ Thượng Giang cũng phấn khởi không kém. Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN và Dịch vụ Thượng Giang, chia sẻ: Trước đây nguồn nước từ các hồ chứa do HTX quản lý chỉ phục vụ sản xuất 130 ha lúa. Khi kênh Thượng Sơn đi vào hoạt động, chỉ riêng vụ Hè Thu, HTX hợp đồng với Xí nghiệp Thủy lợi 5 cung cấp nước tưới cho 115 ha đất lúa và đất màu, tăng gấp đôi so với trước. Tới đây HTX sẽ triển khai nhiều mô hình liên kết để sản xuất các loại cây trồng mới như: Hành tím, đậu nành đen, bắp ngọt…, đặc biệt là mở rộng vùng sản xuất trồng đậu phụng để chế biến dầu đậu phụng đăng ký làm sản phẩm OCOP.
MỘC MIÊN