Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư:
Sát thực tế, giàu tính khả thi
Toàn tỉnh có 1.069 bản hương ước, quy ước/1.116 khu dân cư đã được UBND cấp huyện công nhận và áp dụng tại các khu dân cư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn một số hạn chế, khó khăn…
Thời gian qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Chẳng hạn, ở huyện Vĩnh Thạnh, hương ước, quy ước được UBND huyện công nhận tại 59 khu phố, thôn, làng đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; đảm bảo ANTT, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội, nâng cao nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Nhờ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nên đời sống văn hóa, xã hội của người dân xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) có nhiều đổi thay. Ảnh: TRỌNG LỢI
Điển hình là xã Vĩnh Thuận, ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã hiện có 8/8 thôn, làng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Nhờ đó mà đời sống văn hóa, xã hội của cư dân ở địa phương được cải thiện, nâng cao qua từng năm, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội ở địa phương đã được xóa bỏ, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại. Cách đây chừng 10 năm, việc cưới hỏi thường kéo dài nhiều ngày, tốn kém. Từ khi thực hiện hương ước, quy ước, mọi thứ đã gói gọn trong một buổi hoặc trong ngày. Nhiều tập tục, lễ nghi khác cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, do một số bản hương ước, quy ước các thôn, làng ở một số xã, thị trấn áp dụng đã lâu, trong khi thực tế đời sống có nhiều biến đổi nên nay giảm đi tính khả thi, mức độ phù hợp. Nội dung một số bản hương ước, quy ước mang tính rập khuôn, sao chép lẫn nhau, chưa thể hiện được đặc trưng truyền thống, lịch sử, văn hóa… của từng thôn, khu phố, làng; hình thức trình bày quá dài dòng; chưa điều chỉnh được những quan hệ xã hội phát sinh mà pháp luật không quy định dẫn đến chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân thực hiện các quy định của hương ước, quy ước còn hạn chế và thiếu tính thường xuyên. Công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện, xử lý vi phạm hương ước, quy ước, sửa đổi, bổ sung nội dung không còn phù hợp chưa được kịp thời…
Chia sẻ góc nhìn này, ngay cả ở một địa phương mà hương ước, quy ước có nhiều điểm tích cực như Vĩnh Thuận, ông Đinh Văn Sao cho biết hương ước, quy ước cũng còn một số điểm không phù hợp với thực tế nữa, khi áp dụng đã phát sinh trở ngại. Ví dụ, một số bản hương ước, quy ước quy định trường hợp gây rối trong khu dân cư thì bị phạt tiền, nhưng hầu như các thôn, làng đều không xử phạt được mà chủ yếu là nhắc nhở, thậm chí phải nhờ đến cơ quan công quyền.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập ở các bản hương ước, quy ước, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương, giao Sở VH&TT phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng quyết định, quy định định hướng nội dung hương ước, quy ước khu dân cư (làng, thôn, khu phố) trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, nhận định: Việc thay đổi là cần thiết và sẽ theo hướng cập nhật thực tế, giàu tính khả thi hơn nữa. Mục đích là góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát huy giá trị trong quá trình phát triển KT-XH, giữ vững ANTT tại địa phương. Tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng quyết định, quy định định hướng nội dung hương ước, quy ước phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và đúng quy định của pháp luật. Ngành Văn hóa sẽ phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn cho các địa phương rà soát, đánh giá việc xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn từng địa phương, đảm bảo không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của người dân và điều kiện KT-XH ở từng cộng đồng dân cư, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện việc điều chỉnh đúng với chỉ đạo của tỉnh.
TRỌNG LỢI