Triển khai Kế hoạch liên ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em:
Trẻ em được quan tâm toàn diện hơn
Sở LĐ-TB&XH và Sở GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch liên ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2014-2020. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH về một số vấn đề liên quan đến Kế hoạch này.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Kế hoạch này được ngành LĐ-TB&XH và GD&ĐT xây dựng để tăng cường phối hợp chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em của 2 ngành. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, đảm bảo cơ hội học tập và phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn, ở giai đoạn I (2014-2015) sẽ triển khai tại 2 ngành và thí điểm tại 2 địa phương; ở giai đoạn II (2016-2020) triển khai tại 100% các huyện, thị xã, thành phố.
* Xin bà cho biết các hoạt động chính của Kế hoạch liên ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2014-2020 của tỉnh?
- Đầu tiên, 2 ngành sẽ phối hợp nghiên cứu, rà soát, đánh giá các văn bản liên quan; chia sẻ thông tin, dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để sửa đổi, bổ sung và đề xuất các văn bản phù hợp trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thực hiện truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, cha mẹ trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở trợ giúp trẻ em ở địa phương. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động thí điểm và nhân rộng mô hình Văn phòng tư vấn, điểm tư vấn hoặc công tác xã hội tại các trường học để cung cấp, giới thiệu dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý cho học sinh.
4 mục tiêu chính của Kế hoạch liên ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2014-2020: 1 - Cơ chế, nội dung phối hợp giữa 2 ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở cấp tỉnh và địa phương được xây dựng và cụ thể hóa. 2 - Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên từ cấp tỉnh đến cơ sở. 3 - Nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở địa phương được nâng cao thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục. 4 - Các chương trình hoạt động phối hợp cụ thể giữa 2 ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện có kết quả.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp tổ chức thực hiện một số chương trình, hoạt động cụ thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nổi bật có thực hiện chính sách và vận động xã hội trợ giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học yếu kém; phòng, chống tình trạng học sinh bị bạo lực, xâm hại, bóc lột; phòng, chống tệ nạn xã hội và tình trạng vi phạm pháp luật trong trẻ em, học sinh. Ngành chức năng phối hợp với gia đình, địa phương tổ chức dạy bơi, cách phòng tránh đuối nước và các loại tai nạn thương tích khác ở trẻ em; phòng, tránh HIV/AIDS và chống phân biệt kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” sẽ được triển khai rộng rãi.
* Để các hoạt động của Kế hoạch thu được kết quả như mong đợi, 2 ngành sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa bà?
- Trước hết, lãnh đạo 2 sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; rà soát, sửa đổi, kiện toàn, bổ sung các chính sách, văn bản hướng dẫn liên quan. Trong công tác truyền thông, vận động xã hội, sẽ phải đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức thực hiện phù hợp với từng cấp học cho học sinh, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và phụ huynh. Song song đó là tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày khai trường, Tết Trung thu, các sự kiện, hoạt động truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Một giải pháp mang tính căn cơ nữa là kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp của 2 ngành; xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, sẽ thực hiện thí điểm chuyên đề bồi dưỡng về thực hành quyền trẻ em trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hè hằng năm cho giáo viên.
* Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN VĂN TRANG
(Thực hiện)