Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại
(BĐ) - Ngày 2.7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ. Điểm cầu tại Bình Định do Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn chủ trì.
Kết quả công tác nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Nội vụ là làm tốt nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. - Trong ảnh: Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn kiểm tra công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại TP Quy Nhơn. Ảnh: N.V.T
Theo thông tin từ Hội nghị, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Nội vụ. Trong đó, tập trung cao độ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng. Theo đó, bước đầu khắc phục được mốt số bất cập trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, chính quyền địa phương và địa giới hành chính.
Toàn ngành Nội vụ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao, đặc biệt là làm tốt nhiệm vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của Bộ được quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trong điểm và bước đầu đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số của ngành Nội vụ.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, trọng tâm là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đáng chú ý là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường năng lực phân tích, dự báo và đề xuất chính sách trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, lựa chọn mô hình mới, cách làm hay. Đồng thời, tận dụng tối đa các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả.
Tại Hội nghị, tỉnh Bình Định gửi nhiều kiến nghị, đề xuất về công tác cán bộ; đặc biệt là đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần đầu khi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình theo Nghị định 135/2020/ND8-CP của Chính phủ.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, ngày 13.6.2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 08-KL/TW về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó, Bộ Chính trị đã thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) để làm căn cứ xác định điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Kết luận cũng hướng dẫn rõ, thời gian công tác thực tế còn lại của cán bộ nếu đủ 5 năm trở lên thì đủ điều kiện bổ nhiệm, ứng cử. Thời gian thực hiện từ ngày 1.8.2021 và không xem xét lại các trường hợp đã bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trước thời điểm này. Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị để áp dụng trong toàn hệ thống đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
NGUYỄN VĂN TRANG