Giá thực phẩm tươi sống biến động
Sau khi đổ xô đi mua sắm từ lúc nghe có ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong tỉnh, người dân trong tỉnh, đặc biệt ở TX Hoài Nhơn mau chóng trở lại nhịp sinh hoạt “bình thường mới”.
Điểm đáng chú ý nhất từ cuộc chộn rộn này là giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ do cước vận chuyển tăng. Sáng 3.7, tại TX Hoài Nhơn, một số chợ như Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo… vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hàng thực phẩm tươi sống khá phong phú. Theo các tiểu thương nguồn hàng cả trong và ngoài tỉnh đều rất dồi dào chỉ lo dịch khiến sức mua giảm, hàng hóa khó tiêu thụ chứ không lo thiếu hàng.
Tại các chợ, việc mua bán diễn ra bình thường. Tiểu thương và người dân nâng cao công tác phòng, chống dịch. Ảnh: H.Y
Chị Nguyễn Hồng Thi, 26 tuổi, bán cá ở chợ Tam Quan cho biết: Chỉ có 1/3 số tiểu thương ra bán ở chợ, lượng hàng nhập về giảm tới 50 - 70% so với cuối tháng 6. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân đã mua dự trữ trước đó nên giảm số lần đi chợ lại, rất ít người đi chợ hàng ngày. Lượng khách ít nên các tiểu thương cũng nghỉ ở nhà phòng, chống dịch. “Riêng tôi nhờ mở thêm kênh bán hàng qua mạng xã hội, giao hàng tận nhà cho khách nên khá ổn. Sáng sớm tôi phát trực tiếp (livestream) hình ảnh thực tế các loại cá, số lượng, giá tiền từng loại cho khách xem, chốt đơn hàng, rồi đi giao!”, chị Thi nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công Thương đã chuẩn bị phương án dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ trong tình huống phát sinh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng thiết yếu sẽ được huy động cung ứng cho đủ cho khu vực bị cách ly và chủ động điều phối hàng hóa cho khu vực bị cách ly và cung ứng ra thị trường.
Còn chị Ái Thúy, chủ cửa hàng rau, trái cây sạch ở QL1A, phường Tam Quan cho biết: “Từ đầu tháng 7, cước vận chuyển tăng cao quá. Ví dụ: Trước đây bên bán từ TP Hồ Chí Minh chuyển thẳng về Hoài Nhơn, thì nay phải trung chuyển qua TP Quy Nhơn. Trước tháng 7, bình quân cước 1 thùng hàng là 60.000 đồng thì nay lên tới hơn 150 nghìn đồng. Giá cước tăng khiến giá hàng bán ra tăng theo nhưng đang dịch mình không thể tăng giá nhiều quá”.
Tại các thị xã, huyện khác ở tỉnh, nguồn hàng hóa dồi dào, sức mua giảm hơn cuối tháng 6. Chị Lê Thị Màu, tiểu thương hàng rau củ quả ở chợ Bình Định, TX An Nhơn cho biết: Giá các mặt hàng rau củ quả tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg do nắng nóng, chi phí sản xuất và cước phí vận chuyển tăng. Chợ ế vì hàng quán nghỉ nhiều, hao hụt cao hơn trước nên giá rau củ quả tăng.
Ghi nhận tại các chợ, giá một số mặt hàng bầu bí, dưa leo, khổ qua, đậu côve, cải ngọt, ngò rí, xà lách tăng. Cụ thể: Khổ qua 22.000 - 25.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 20.000 đồng/kg; dưa leo 20.000 - 25.000 đồng/kg; đậu côve 30.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 25.000 - 30.000 đồng/ kg... Các loại thủy hải sản liên tục tăng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể: cá nục từ 70.000 - 80.000 đồng/kg lên 90.000 - 100 nghìn đồng/kg, cá ngừ 90.000 - 100 nghìn đồng/kg lên 120 - 140 nghìn đồng/kh, cá dìa từ 130 - 160 nghìn đồng/kg lên 140 - 180 nghìn đồng/kg… Ngược lại, các loại thủy hải sản cao cấp như tôm hùm, bào ngư, cá mú đỏ, cua gạch, giá hạ 10.000 - 90.000 đồng/kg vì các nhà hàng, quán nhậu đóng cửa. Cụ thể: Cá mú 250 nghìn đồng/kg, cua gạch 250 - 300 nghìn đồng/kg, tôm hùm 900 nghìn đồng - 1,1 triệu đồng/kg, tôm hùm đỏ sắt 200 - 250 nghìn đồng/kg…
Nhìn chung, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, kênh phân phối bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm đến 70 - 90% trong tổng lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm người dân sử dụng hằng ngày. Tình hình đến giờ vẫn bình ổn không có nhiều xáo trộn nhờ các nhà phân phối cam kết cung cấp đủ lượng hàng theo nhu cầu và cố gắng không tăng giá. Với vai trò là đại diện của một nhà cung cấp lớn, ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gon Co.op tại Bình Định cho biết: “Hệ thống siêu thị Sài Gon Co.op tại Bình Định dự trữ khoảng 12 tỷ đồng các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh”.
HẢI YẾN