Quản tiền của chồng
Tết rồi, lớp đại học của tôi tổ chức họp mặt 10 năm ngày ra trường. Sau màn ăn uống, cả lớp thống nhất mỗi người nộp một khoản tiền để chi trả cho bữa ăn hôm đấy và góp vào quỹ khuyến học cho trường. Một cậu bạn tôi mở ví ra, moi từ ngăn trong cùng, rất khuất của chiếc ví, ra vài tờ năm trăm ngàn đồng cuộn nhỏ, rồi vuốt thẳng đưa cho cô bạn thủ quỹ trong tiếng trêu đùa của bạn bè. Cậu cười cười giải thích, quỹ đen, phải cất thật kỹ để vợ không tìm thấy… Tôi biết vợ bạn là người “ghê gớm”. Hồi mới cưới, lương của bạn bao nhiêu đều bị vợ thu đủ, muốn chi tiêu gì cá nhân phải qua “kiểm duyệt”. Lâu không gặp lại bạn, tình hình có vẻ chẳng mấy thay đổi.
Mấy chị bạn của chị gái tôi đều bảo, tiền nong là phải giữ cho thật kỹ, bắt chồng phải đưa hết tiền lương, rồi phải đứng tên hết các sổ tiết kiệm. Các chị nói nếu để cho chồng thoải mái tiền nong quá, sẽ sinh ra nhiều chuyện phức tạp, rồi đến lúc mất chồng lại mất cả tiền.
Thú thật, tôi không phải tuýp phụ nữ có khả năng quản lý chồng theo cách đó. Từ khi lấy nhau, tôi với chồng chọn cách ứng xử với tiền có vẻ khác với cách “truyền thống” ở các gia đình khác. Chúng tôi cùng công khai thu nhập, vạch rõ những khoản phải chi tiêu hàng tháng, nếu còn dư, thì để dành (có thể để trong tài khoản của vợ, hoặc chồng đều được) cho những mục tiêu dài hạn đã thống nhất. Mục tiêu của chúng tôi lúc đầu chỉ là làm sao trả hết các khoản nợ mà vợ chồng mua xe máy, mua đất xây nhà. Rồi những mục tiêu nhỏ, là cả nhà mỗi năm đi du lịch được một lần.
Chúng tôi chẳng ai giấu nhau việc gì vì tôi cho rằng, tình yêu phải dựa trên sự chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau. Vì, như cậu bạn tôi, cuối cùng cũng tìm được cách để “qua mặt” vợ – nhét tiền vào góc khuất nhất của chiếc ví. Một người đàn ông, khi họ muốn qua mặt vợ, thì chuyện lập một tài khoản ngân hàng khác, thậm chí mua một ngôi nhà khác, ăn ở với một người phụ nữ khác mà vợ vẫn hoàn toàn không biết, có lẽ không phải là chuyện quá khó! Mà nói chung, khi người đàn ông cố tình giấu giếm điều gì, chắc cũng không dễ dàng bị phát hiện, nhất là khi những người phụ nữ vốn đã quá bận rộn với cửa nhà, bếp núc, con cái, công việc.
Và giờ, khi các khoản nợ đã hết, chúng tôi để dành rồi tiếp tục vay mượn xây nhà. Cứ như thế, cuộc sống trôi qua khá suôn sẻ, chưa khi nào chúng tôi phải cãi nhau về tiền mà còn đưa mục tiêu cao hơn là sau khi trả nợ xây nhà sẽ mua ô tô để về quê thăm ông bà và các chuyến đi du lịch được thuận tiện. Tôi nghĩ, việc thẳng thắn, minh bạch trên tinh thần chia sẻ là cách hay nhất để quản lý tài chính gia đình. Và khi hai người có những mục tiêu chung phải phấn đấu để vun vén cho gia đình, chắc chẳng anh chồng nào nỡ mang tiền… đi hoang phí.
YẾN NHI