Ngành TN&MT sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Hiệu quả từ sự đồng thuận, thống nhất
Nhiều đầu mối được thu gọn, lượng biên chế tinh giản đạt cao - hiệu quả hoạt động sắp xếp, tinh gọn bộ máy của ngành TN&MT có được từ quá trình thực hiện nghiêm túc lộ trình đã đề ra cùng sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, đơn vị.
Thời gian qua, Sở TN&MT đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Lãnh đạo Sở TN&MT luôn quan tâm động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực làm việc, thích ứng với áp lực công việc ngày càng cao, nhất là trên lĩnh vực đất đai.
- Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.V.T
Trước khi triển khai, cơ cấu tổ chức của Sở gồm 5 phòng (với 5 trưởng phòng, 7 phó trưởng phòng), 3 chi cục chuyên ngành (3 chi cục trưởng, 5 phó chi cục trưởng), biên chế công chức 72 người. Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy còn 5 phòng (5 trưởng phòng, 5 phó trưởng phòng), 2 chi cục chuyên ngành (2 chi cục trưởng, 2 phó chi cục trưởng), biên chế công chức 67 người.
ngày 11.5, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục Quản lý đất đai và Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở TN&MT. Theo đó, đối với Chi cục Quản lý đất đai, hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, biên chế công chức của Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Kinh tế đất và đổi tên thành Phòng Hành chính - Kinh tế đất. Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Quản lý đất đai còn 2 phòng: Hành chính - Kinh tế đất; Đất đai - Đo đạc bản đồ; giảm 1 phòng, 1 trưởng phòng.
Đối với Chi cục Bảo vệ môi trường, hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, biên chế công chức của Phòng Tổng hợp, Phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường và đổi tên thành Phòng Tổng hợp - Thẩm định. Sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ môi trường còn 2 phòng: Tổng hợp - Thẩm định, Kiểm soát ô nhiễm; giảm 1 phòng, 1 trưởng phòng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Việt Cường, việc hợp nhất giúp tiết giảm đầu mối, số lượng lãnh đạo cấp phòng nhưng vẫn đảm bảo duy trì đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. Trong đợt điều chỉnh cơ cấu lần này, Phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (giải quyết các thủ tục hành chính) hợp nhất với phòng Tổng hợp (đầu mối theo dõi việc triển khai ISO 9001:2015) đã góp phần giám sát chặt chẽ hơn công tác giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, hiện nay, tỉnh Bình Định đang tập trung thu hút đầu tư phát triển KT-XH; nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông... đang triển khai. Khối lượng công việc được giao cho Sở TN&MT ngày một tăng, trong khi đó biên chế ngày càng giảm, tạo áp lực rất lớn trong công việc chuyên môn, nhất là trên lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản. Lãnh đạo Sở luôn quan tâm động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực làm việc, thích ứng với áp lực công việc ngày càng cao.
Bên cạnh đó, việc kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở TN&MT cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã sáp nhập Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật địa chính vào Văn phòng Đăng ký đất đai; chuyển đổi mô hình hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai sau khi thực hiện sáp nhập từ loại hình đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần chi thường xuyên thành đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Kết quả sau khi sáp nhập đã giảm được 4 vị trí lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở, 10 vị trí lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị trực thuộc Sở; từ 2019 - 2021 tinh giản đến 162 biên chế viên chức.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, chủ trương, chính sách về đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Đây là nội dung lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan đến công tác nhân sự. Do đó, cần có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện theo lộ trình cụ thể và cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi xác định khâu tuyên truyền, vận động để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ rất quan trọng, không dùng mệnh lệnh hành chính mang tính áp đặt”, ông Tùng chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG