Dự án LRAMP - Hợp phần đường: Ðảm bảo đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư
Từ nay đến cuối năm 2021, toàn bộ các tuyến đường thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được bàn giao cho các địa phương quản lý, khai thác và bảo trì, bảo dưỡng theo đúng quy định.
Dự án LRAMP thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ GTVT là đơn vị chủ quản, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, quyết định đầu tư các dự án thuộc hợp phần cầu; UBND các tỉnh quyết định đầu tư các dự án thuộc hợp phần đường. Bình Định là 1 trong 14 địa phương trong cả nước được Bộ GTVT chọn thực hiện dự án LRAMP, với tổng vốn đầu tư gần 318 tỷ đồng; trong đó, hợp phần đường khoảng 202 tỷ đồng (khôi phục, cải tạo, bảo dưỡng thường xuyên), 116 tỷ đồng xây dựng cầu dân sinh. Dự án LRAMP - hợp phần đường triển khai trong giai đoạn 2017 - 2021, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Tuyến tỉnh lộ 636 (đoạn Gò Bồi - Lai Nghi) qua xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) đến xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) được nâng cấp, sửa chữa từ vốn của Dự án LRAMP. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Ông Võ Văn Chính, Trưởng phòng điều hành dự án 1, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, cho biết: Triển khai dự án LRAMP - hợp phần đường giai đoạn 2017 - 2021, đơn vị thực hiện khôi phục, cải tạo 11 tuyến đường ở các địa phương Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn và Vĩnh Thạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã bàn giao và đưa vào sử dụng 10 tuyến đường, còn tuyến ĐT 639 đoạn km 0 km 13+280 hiện cũng hoàn thành thi công và đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công, hiện trường để tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Các địa phương thực hiện theo phân cấp, tiến hành quản lý, khai thác sử dụng và bảo dưỡng thường xuyên theo quy định, trong đó Sở GTVT quản lý các tuyến đường tỉnh, cấp cơ sở phân cấp quản lý đường huyện, đường xã.
Dự LRAMP - hợp phần đường có điểm khác so với dự án đầu tư hạ tầng giao thông, đó là yêu cầu từ phía WB (đơn vị tài trợ vốn vay) về sự tham gia của địa phương trong công tác quản lý, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường. Khi thực hiện dự án, trên cơ sở phân cấp, các địa phương đều phải bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án. Do đó, trước khi bàn giao các tuyến đường, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh thực hiện nghiệm thu, cập nhật toàn bộ hệ thống đường lên ứng quản lý của ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Bên cạnh việc triển khai khôi phục, cải tạo các tuyến đường, trong dự án LRAMP còn có việc thực hiện kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường địa phương. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá tổng quan hiện trường đường, xây dựng kế hoạch triển khai, ưu tiên cho các tuyến đường có độ hư hỏng nghiêm trọng trước tiên. Toàn bộ các quá trình đều ghi lại dữ liệu, cập nhật trên ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đánh giá từ WB sau khi kết thúc dự án.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT, những năm qua, tỉnh ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 12 tuyến tỉnh lộ, với hơn 441 km, chưa kể những tuyến đường huyện, đường xã; hằng năm từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh chỉ có thể ưu tiên bố trí đầu tư cho các dự án công trình giao thông trọng điểm. Với đầu tư từ Dự án LRAMP - hợp phần đường, đến nay, địa phương khôi phục, cải tạo được 11 tuyến (10/11 tuyến đã bàn giao) với chiều dài hơn 58 km; bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên 945 km đường tỉnh, đường huyện; 1.495 km đường xã. Dự án hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại, kết nối giao thương; đảm bảo ATGT, đặc biệt góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn toàn tỉnh. Hiện còn 1 tuyến đường đang vào giai đoạn hoàn tất để bàn giao cho đơn vị quản lý. Để phát huy hiệu quả đầu tư dự án, trước khi bàn giao, ngành chức năng tập huấn cho các địa phương, cán bộ phụ trách giao thông… kỹ thuật bảo dưỡng, bảo trì theo đúng quy định.
THU DỊU