Kiên quyết xử lý việc dùng lưới lồng khai thác thủy sản
Thời gian gần đây, tại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, tình trạng sử dụng lưới lồng (còn gọi là lờ dây, lồng xếp) để khai thác thủy sản ở đầm Thị Nại khá phổ biến, trong khi đây là nghề cấm, vì làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản.
Đặt lưới lồng khai thác thủy sản trái phép ở đầm Thị Nại, địa bàn thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (ảnh chụp ngày 1.7.2021). Ảnh: GIA NGUYỄN
Đi dọc đê khu Đông huyện Tuy Phước từ địa phận xã Phước Thuận đến Phước Hòa vào mỗi buổi chiều, chúng tôi thấy khá nhiều người dân sử dụng ghe máy, xuồng chèo tay trên đầm Thị Nại để đi đặt lưới lồng. Một người dân ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, cho hay, lưới dài đến 9 m, có 31 ô lưới, mắt lưới rất nhỏ, nên khi đặt dưới đầm hầu hết các loài thủy sản đều dính vào lưới. Nếu ai có vài trăm chiếc lưới lồng đưa đi khai thác thủy sản thì mỗi đêm có thể thu về đến hàng triệu đồng.
Ông Trần Anh Tuấn, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, cho biết: “Lâu nay, người dân địa phương rất bức xúc trước việc sử dụng lưới lồng để khai thác, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Bà con đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp quyết liệt xử lý vấn nạn này!”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, hiện nay, tại các xã khu Đông của huyện có 523 hộ dân sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại, với hơn 27.165 chiếc. Trong đó, xã Phước Thắng có 78 hộ/3.943 chiếc, xã Phước Hòa có 231 hộ/1.162 chiếc, xã Phước Sơn có 140 hộ/13.945 chiếc, xã Phước Thuận có 74 hộ/8.115 chiếc.
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: UBND huyện đã kiến nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ giữa huyện Tuy Phước với TP Quy Nhơn trong việc thực hiện thu gom, xử lý lưới lồng khai thác thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại. UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT chủ công trong việc phối hợp ra quân xử lý. Huyện đã ban hành kế hoạch thu gom, xử lý lưới lồng và đang phối hợp với Sở NN&PTNT để xử lý kiên quyết vấn đề này. Theo đó, về phía huyện Tuy Phước, UBND các xã ven đầm phải chịu trách nhiệm chính, phân công các ngành, hội đoàn thể của xã và quân dân chính các thôn ven đầm tổ chức vận động, tuyên truyền, thuyết phục, cho các đối tượng vi phạm làm cam kết không tái phạm; thực hiện công tác thu gom lưới lồng, xử lý.
GIA NGUYỄN