Thực phẩm “nhà làm” - tiện lợi nhưng phải an toàn
Trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mua bán thực phẩm qua mạng càng sôi động, nhất là các thức ăn gắn mác “nhà làm”. Bên cạnh yếu tố tiện lợi, người tiêu dùng cần quan tâm đến mức độ an toàn thực phẩm.
Nở rộ thức ăn online
Không cần chú tâm tìm kiếm, các trang rao vặt bán thực phẩm đã hiện dày đặc trên Facebook, nhất là trong những ngày thực hiện quy định hàng quán chỉ được bán mang đi. “Món ngon Quy Nhơn”, “Ăn vặt Quy Nhơn”, “Ăn hết Quy Nhơn - Cộng đồng review món ngon Quy Nhơn”, “Ăn sập Quy Nhơn”, “Ship đồ ăn vặt Quy Nhơn”…, bên cạnh những trang công cộng là rất nhiều trang cá nhân rao bán các loại thực phẩm, thức ăn chế biến sẵn. Nội dung các bài đăng chủ yếu “phô diễn” độ tươi ngon của món ăn từ rừng xuống biển, từ tươi sống đến chế biến sẵn. Ngay cả những tài khoản mới lập chỉ vài ngày vẫn thu hút nhiều khách đặt hàng.
Người tiêu dùng nên đặt mua thức ăn online từ các nhà hàng, quán ăn quen biết, uy tín. Ảnh: VIẾT VƯƠNG
Đáng chú ý, không ít trang cá nhân quảng cáo thực phẩm “nhà làm” không để lại địa chỉ cụ thể nơi sản xuất, chế biến; khi được hỏi thì chủ nhân cũng “lờ đi”. Khi muốn tìm kiếm một món ăn ưa thích, người dùng có thể dễ dàng đặt hàng qua các bài viết rao bán đầy sức hấp dẫn trên Facebook mà chưa thực sự kiểm chứng được mức độ an toàn của sản phẩm. Chị N.T.T - nhân viên văn phòng ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), cho biết: “Các anh chị em trong phòng của tôi thường xuyên đặt cơm trưa trên Facebook, nhất là trong tình hình hàng quán không phục vụ tại chỗ do dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay. Song, mức độ hài lòng về món ăn thì cũng… hên xui”.
Còn anh T.V.T, làm việc tại một công ty bất động sản ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), hay đặt thức ăn online để tiết kiệm thời gian. “Tiện thì tiện thật, có bữa ăn theo ý muốn mà chẳng cần đi đâu, tuy nhiên đôi khi tôi phải bỏ cả suất ăn vì cơm khô, món ăn có mùi lạ”, anh T. nói.
Tự bảo vệ mình
Với hình thức đặt hàng qua mạng hay qua điện thoại, nhận thức ăn từ shipper, người tiêu dùng hầu như không biết được nguồn gốc nguyên liệu cũng như việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến.
Chị Nguyễn Thị Thơm (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) bày tỏ lo lắng: “Với các quán ăn, nhà hàng được cơ quan chức năng đưa vào diện quản lý, đôi lúc tôi đi ăn còn thấy bát đũa rửa chưa sạch, ly đá uống nước còn dính vài cọng rau. Vậy những người bán thực phẩm online không rõ địa chỉ kia ai quản lý? Làm sao đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm?”. Một người chạy xe ôm thường nhận giao hàng cũng cho biết, ông đã nhiều lần nhận giao hàng từ những người bán hàng sống ở những khu trọ lụp xụp, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ, điều kiện vệ sinh khó đảm bảo.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), trong tình hình Bình Định thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 như hiện nay, hình thức kinh doanh thức ăn qua mạng càng phát triển mạnh, chủ yếu theo kiểu “nhà làm”, mang tính chất thời vụ, không đăng ký kinh doanh. Phần lớn các cơ sở này không được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến không được kiểm tra sức khỏe theo quy định; không được tập huấn kiến thức ATTP. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo ATTP; nguyên liệu dùng chế biến thức ăn không được kiểm soát; thực hành vệ sinh trong quá trình chế biến không được tuân thủ…
“Để đảm bảo ATTP trong tình trạng hiện nay, người tiêu dùng nên đặt mua thức ăn online từ các nhà hàng, quán ăn quen biết, uy tín, có địa chỉ rõ ràng, đã có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP”, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lê Văn An khuyến cáo.
MAI LÂM - VIẾT VƯƠNG