Chỉ là bước khởi động!
Vậy là hành trình đổi mới giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 8 cũng đã có những khởi động rất cụ thể ngay trong năm 2014 này. Trước hết đó là những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học, cao đẳng sắp tới. Có thể nói, phương án thi tốt nghiệp THPT mới, gồm 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn đã nhận được sự đồng thuận tương đối lớn của cả xã hội.
Xã hội đồng tình cao với hướng đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT, vì qua đó hàng triệu học sinh phổ thông cả nước giảm bớt gánh nặng thi cử ở năm cuối cấp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT có kết quả trung thực, đánh giá đúng năng lực học tập thực sự của học sinh thì mới có ý nghĩa đối với việc đổi mới học hành, thi cử. Sở dĩ cần phải đặt vấn đề như thế bởi vì trước đây tổ chức thi sáu môn, nghe ra thì có vẻ nặng nề nhưng đề thi ra quá dễ, coi thi, chấm thi thì lỏng lẻo… nên kết quả là gần như 100% học sinh thi đều đậu cả. Thi thế thì tổ chức làm gì cho tốn kém là phản ứng chính đáng của xã hội trong thời gian qua.
Đích đến của việc thi cử là để xác nhận kết quả của cả một quá trình dạy và học, xác định đúng năng lực học tập, kiến thức của người học để từ đó có định hướng phù hợp cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Vì thế, thay vì đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc khi làm bài thi đã đến lúc cần phải đổi mới cách ra đề thi theo hướng cho học sinh vận dụng, tổng hợp kiến thức đã được học để làm bài.
Lâu nay, cách dạy, cách học phổ biến ở nước ta là thầy đọc, trò chép đã khiến cho học sinh rất thụ động trong quá trình học tập, thiếu tư duy phân tích, tổng hợp, phản biện… là những kỹ năng rất cần thiết trong quá trình làm việc sau này. Do đó, để thay đổi cách thi cử hiệu quả cần thay đổi cách dạy cách học để học sinh biết học một cách chủ động, giáo viên cũng dạy một cách chủ động. Đây là vấn đề có ý nghĩa nền tảng để học sinh có thể lựa chọn những môn học phù hợp với năng khiếu, sở trường và thiên hướng phát triển sau này.
Vì vậy, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn trong đó có 2 môn tự chọn cũng mới chỉ là bước khởi động đầu tiên của hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết 8.
Trọng Dân