Tuy Phước quan tâm chăm lo cho người khuyết tật
Thời gian qua, huyện Tuy Phước thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về người khuyết tật, giúp đời sống của người khuyết tật trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Theo UBND huyện Tuy Phước, những năm qua, số lượng người khuyết tật (NKT) trên địa bàn huyện có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân, như: TNGT, tai nạn lao động, thiên tai, bệnh tật… Đa số NKT mất khả năng lao động, nhiều người không thể tự phục vụ bản thân; đời sống kinh tế gia đình có NKT thường gặp nhiều khó khăn.
Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái Tuy Phước tặng quà cho cụ Võ Thị Phước, 81 tuổi, bị mù, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, sống neo đơn. Ảnh: NGỌC TÚ
Trên địa bàn huyện có hơn 5.310 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định, với tổng số tiền trên 29,4 tỷ đồng/ năm; ngoài ra, hơn 880 NKT được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, nhìn nhận: “Thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, mặt trận, hội đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nên công tác trợ giúp NKT đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo cho một bộ phận NKT”.
Đặc biệt, ngành y tế huyện Tuy Phước đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho NKT, giúp đỡ NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, hỗ trợ trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
Theo lãnh đạo TTYT huyện Tuy Phước, được sự hỗ trợ của dự án IC và CRS-PHAD (Hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng bền vững và đa chuyên ngành cho NKT), Trung tâm đào tạo 1 bác sĩ chuyên khoa định hướng phục hồi chức năng, 1 kỹ thuật viên vật lý trị liệu, 2 kỹ thuật viên hoạt động trị liệu và 1 kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu. Dự án hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng để phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng thuộc TTYT huyện; đã điều trị và mang lại hiệu quả cao cho nhiều NKT.
Từ năm 2011 - 2020, huyện Tuy Phước phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình và trợ giúp phục hồi chức năng cho 101 trẻ em khuyết tật; cấp 131 chiếc xe lăn, xe lắc cho NKT có hoàn cảnh khó khăn. Có 726 NKT được khám sàng lọc, 47 NKT được nhận dụng cụ trợ giúp và khám lại. Ngành LĐ-TB&XH huyện phối hợp với cơ quan BHXH và các địa phương cấp 100% thẻ BHYT cho NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; trong đó có nhiều NKT còn khả năng làm việc và có nhu cầu. Hội người mù, Chi hội Bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em Đoàn Kết của huyện phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh, huyện mở nhiều lớp dạy nghề cho hàng trăm hội viên với các nghề như: Làm chổi, thú y, trồng nấm… Trong quá trình học nghề, NKT được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước, từ năm 2011 - 2020, có 60 lượt NKT vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng dư nợ 300 triệu đồng/11 hộ vay. Hầu hết NKT được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và gốc đúng hạn.
CÔNG LUẬN