Trung Quốc và những tính toán về dầu mỏ
Tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố báo cáo cho biết, Trung Quốc có thể vượt Mỹ về nhập khẩu dầu mỏ trong năm tới.
Báo cáo này ước tính, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 6 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, trong khi nhập khẩu dầu của Mỹ, vốn đã giảm 21% trong năm 2012, sẽ giảm xuống 6 triệu thùng/ngày vào năm 2014. Ngoài ra, OPEC cũng dự đoán, Trung Quốc có thể phải nhập khẩu khoảng 60% số dầu mà nước này cần trong năm nay.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), đây là một sự thay đổi đáng kể so với thời điểm năm 2011, khi Mỹ nhập khẩu 8,7 triệu thùng/ngày, còn Trung Quốc chỉ nhập 5,5 triệu thùng/ngày.
Từ lâu, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng việc nước này ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Nhiều nhà phân tích tin rằng, việc Bắc Kinh đổ tiền đầu tư vào các cảng biển dọc Ấn Độ Dương là một phần của chiến lược “chuỗi ngọc trai” mà trong đó hải quân nước này sẽ tích cực tuần tra để đảm bảo sự an toàn cho các chuyến tàu chở dầu từ Trung Đông và châu Phi đến Trung Quốc.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cũng cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực trên Biển Đông cũng xuất phát từ trữ lượng dầu mỏ dồi dảo tại vùng biển này, trong bối cảnh nước này mở rộng hoạt động khai thác và sản xuất dầu ngoài khơi vì các mỏ dầu gần bờ đã hoạt động hết công suất.
Trong khi đó, với việc Mỹ đang nhanh chóng tự chủ về mặt năng lượng và nhu cầu năng lượng của EU có xu hướng chậm lại và có thể sụt giảm do tăng trưởng kinh tế thấp và có các nguồn năng lượng tái tạo, thì Trung Quốc có thể trở thành một khách hàng lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong trường hợp đó, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài trở nên tương xứng với việc các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn coi Trung Quốc là khách hàng chính. Trong khi Bắc Kinh có thể mua dầu từ nhiều nguồn khác nhau, thì một số nước có thể ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như là một khách hàng chính.
Ngay cả Nga cũng đang dần phụ thuộc vào Trung Quốc như là một khách hàng năng lượng chính. Theo thỏa thuận mà Nga ký với Trung Quốc trong chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tập đoàn dầu mỏ của Nga Rosneft đồng ý tăng gấp đôi số lượng dầu xuất sang Trung Quốc để đổi lấy khoản vay trị giá 2 tỉ USD. Rosneft cũng nhất trí cung cấp cho Trung Quốc khoảng 743.000 thùng dầu/ngày trong 25 năm tới, bắt đầu từ năm 2018.
Như vậy, Trung Quốc, vốn chỉ là thị trường xuất khẩu dầu lớn thứ 4 của Nga trong năm 2011, sẽ trở thành khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Nga trong 5 năm. Hiện Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga hồi năm 2010 và kim ngạch thương mại song phương trong năm 2011 đạt mức kỷ lục 80 tỉ USD.
Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và nền kinh tế nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động này. Theo báo cáo tháng 12.2012 của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, khí tự nhiên và dầu mỏ hiện chiếm 70% xuất khẩu của Nga và hơn 50% ngân sách của chính phủ nước này.
Với việc bùng nổ hoạt động khai thác dầu khí từ đá phiến ở Bắc Mỹ và sản lượng dầu ngày càng lớn hơn từ Iraq, giá năng lượng trong những năm tới nhiều khả năng sẽ giảm; tuy nhiên, điều này lại đặt Nga vào vị trí bất ổn, như nhà phân tích chính trị người Nga Georgy Bovt gần đây cho rằng, Nga sẽ nhanh chóng trở thành đối tác đàn em ưa thích của Trung Quốc.
Lê Quảng (theo diplomat)