Doanh nghiệp ứng phó diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19:
Nỗ lực duy trì sản xuất, triển khai các phương án chống dịch
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TX Hoài Nhơn, hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh nói chung và TX Hoài Nhơn nói riêng bước vào trạng thái mới, căng thẳng, khó khăn hơn.
Thiếu lao động, hoạt động cầm chừng
Đang là chính vụ sản xuất với các đơn hàng gia công sản phẩm may mặc lớn, Công ty CP Đầu tư An Phát (TX Hoài Nhơn) hết sức khó khăn khi thiếu lao động trong bối cảnh thị xã đang thực hiện giãn cách xã hội. Một bộ phận người lao động ở “vùng lõi” của dịch, các trường hợp thuộc diện F1, F2 không thể đến nơi làm việc. Một bộ phận khác thì hoang mang, lo lắng nên tự ý nghỉ tại nhà. Tổng số lao động tại DN là 1.750 người nhưng nhiều ngày trước, số công nhân sụt giảm hơn 50%. Ngày 6.7, lao động quay trở lại DN đã nhích lên một chút, khoảng 900 người, đạt 50%.
Với lượng lao động sụt giảm 50%, rất nhiều vị trí làm việc tại xưởng may của Công ty CP Đầu tư An Phát bị trống, ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất. Ảnh: Công ty CP Đầu tư An Phát
Ông Lý Phước Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Phát, cho biết: DN vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Yếu tố an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu. Công ty đã 2 lần thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cho cán bộ, công nhân viên tại DN, người nào có xác nhận âm tính thì mới đến nơi làm việc.
“Trước những khó khăn như hiện tại, chúng tôi đã trao đổi với khách hàng. Họ hết sức chia sẻ với công ty trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên cũng cực kỳ lo lắng trước khả năng sẽ không đảm bảo tiến độ bàn giao như hai bên cam kết. Chúng tôi đang đứng trước áp lực rất lớn”, ông Nghĩa nói thêm.
Trong khi đó, Công ty CP Sản xuất, Thương mại và Xây dựng Hoài Nhơn (TX Hoài Nhơn) - DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dăm gỗ - đã tạm dừng các hoạt động sản xuất. Ông Phan Văn Cảnh, Giám đốc điều hành DN, trao đổi: “Chúng tôi hiện có 98 lao động. Hầu hết công nhân ở trong các vùng đang thực hiện giãn cách đã viết đơn xin tạm nghỉ. Không có công nhân ở xưởng sản xuất; công nhân khai thác rừng của dân cũng không đi làm nên các hoạt động sản xuất tạm dừng. Chúng tôi chỉ duy trì các bộ phận bảo vệ, ca trưởng để trực PCCC, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”.
Nguồn: BTV
Theo ông Cảnh, khoảng 1 tuần nữa, công ty sẽ có đơn hàng xuất qua Cảng Quy Nhơn. Công ty đang duy trì kết nối với lực lượng tài xế chạy xe container để chở hàng đến cảng. Lực lượng tài xế này sẽ thực hiện test nhanh SARS-CoV-2, thực hiện khai báo y tế và các quy định khác để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch
Là đơn vị có hơn 1.200 lao động, Công ty CP Giày Bình Định (TP Quy Nhơn) đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị như kiểm tra thân nhiệt người lao động hằng ngày ngay tại cổng, cung cấp nước sát khuẩn, khử khuẩn nơi làm việc, thực hiện khai báo y tế và cách ly tại nhà đối với người lao động đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về…
“Vừa qua, công ty đã cho khoảng 40 lao động quê ở Phú Yên nghỉ tại nhà trong thời gian tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội. Tất cả người lao động đều đồng ý thực hiện cách ly tại nhà vì họ rất lo lắng là sẽ khó khăn trong đi lại khi thực hiện giãn cách”, bà Lê Thị Thủy, nhân viên phụ trách y tế cơ sở 2 (tại KCN Phú Tài) của Công ty CP Giày Bình Định cho biết.
Người lao động Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam thực hiện khai báo y tế vào đầu ca làm việc. Ảnh: Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam
Cũng sở hữu số lượng lao động lớn với hơn 2.500 người, đang khẩn trương sản xuất với các đơn hàng kín lịch, Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (huyện Phù Cát) thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, công ty áp dụng biện pháp từ chối làm việc với khách ngoài tỉnh nếu không có kế hoạch, hẹn trước. Đối với tài xế xe container đến nhận hàng, phải có phiếu xác nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2, không được vào công ty nhận hàng mà sẽ có xe trung chuyển chở hàng từ kho, xưởng đến xe container.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ phụ trách y tế của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam, chia sẻ thêm: “Nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn cho người lao động tại DN trong khi làm việc và tại các bữa ăn ca, công ty đã chia nhỏ số người lao động cho mỗi ca. Hiện, công nhân ở các bộ phận sản xuất sẽ có thêm ca buổi tối và vào ngày cuối tuần, nhưng vẫn đảm bảo 1 ngày nghỉ/tuần cho người lao động. Tại bữa ăn ca, người lao động ngồi chéo với nhau chứ không đối diện nhau, thời gian ăn ca sẽ kéo dài do chia thành nhiều nhóm nhỏ người lao động. Nếu bình thường, thời gian ăn ca trưa là từ đến 11 giờ đến 13 giờ thì hiện tại, thời gian ăn ca từ 10 giờ 40 phút đến 13 giờ 15 phút”.
Cũng theo bà Hạnh, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam đang họp để bàn, tìm ra phương án phù hợp, hiệu quả nhất trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, phức tạp hơn.
Nỗi lo sợ đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu người lao động trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hơn nữa đang là nỗi niềm chung của lãnh đạo các DN trong tỉnh. Mới đây, tại buổi gặp gỡ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để trao tiền ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19, ông Trần Thanh Cung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài, chia sẻ: “Vì có số lượng lao động lớn nên chúng tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi diễn biến dịch căng thẳng, lan rộng hơn nữa. Để đảm bảo sản xuất, có khả năng sẽ áp dụng phương án giữ chân người lao động, bố trí chỗ ăn, ở tại DN. Nguyện vọng lớn nhất của DN là nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin cho người lao động nhưng nguồn vắc xin lại đang hạn chế”.
NGUYỄN MUỘI