Hiệu quả từ thiên địch kiến vàng
Nuôi dưỡng và phát triển kiến vàng trong vườn cây ăn trái là một phương pháp theo hướng thiên địch (các loài động vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng), cân bằng môi trường sinh thái của tự nhiên. Đây chính là một phần trong việc áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trong sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích thời gian qua.
Ngay khi đầu tư trồng 300 gốc bưởi da xanh, ông Hàn Thanh (ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) cũng nuôi kiến vàng trong vườn. Theo ông Thanh, khi chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, ông được các cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân hỗ trợ kỹ thuật canh tác bưởi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đặc biệt qua những buổi trao đổi với cán bộ khuyến nông, các buổi kiểm tra thực tế kết hợp với tìm hiểu thêm kiến thức, ông đã áp dụng trên mỗi gốc bưởi đều có một tổ kiến vàng với nhiệm vụ khống chế, tiêu diệt côn trùng gây hại, trong đó có loài kiến hôi, nhện, sâu vẽ bùa… thường làm sượng trái và mất nước.
“Khi có kiến vàng, gần như nhà vườn giảm được việc bắt các loại côn trùng gây hại cho cây trồng. Vào thời gian cây ra bông chuẩn bị đậu trái, tôi cho kiến vàng làm tổ, chuyền cành từ cây này sang cây khác để hạn chế các loại sâu bọ cắn phá hoa, đục hư trái…”, ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, việc hướng dẫn người dân trong canh tác an toàn theo hướng bảo vệ môi trường đang được ngành nông nghiệp địa phương chú trọng, trong đó có sử dụng thiên địch như việc nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái. Đây là một biện pháp sinh học có hiệu quả, ít tốt kém và không gây hại tới môi trường.
QUANG BẢO