Anh Hữu trồng cây trắc đỏ
Cùng ham thích phát triển kinh tế vườn rừng nhưng anh Nguyễn Văn Hữu, 50 tuổi, ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn tự xây dựng cho mình một lối đi riêng, theo đó loại cây trồng anh chọn làm lõi của mô hình là cây trắc đỏ - một loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao.
Tuy không nhiều vốn, nhưng với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thời gian qua anh Hữu đã kiên trì giữ 500 cây trắc đỏ trồng trên diện tích hơn 2.000 m2 trong khu đất rộng hơn 4 ha của gia đình. Đến nay rừng trắc đỏ của anh đã được 6 tuổi, đang sinh trưởng và phát triển tốt - cao hơn 6 m, đường kính thân đạt 8 cm (ảnh). Để lấy ngắn nuôi dài, anh Hữu trồng 2,5 ha keo lai, bạch đàn và 0,8 ha cây sả, kết hợp nuôi 40 con dê.
Anh Hữu cho hay: Ở tỉnh mình chưa ai trồng trắc đỏ nhưng qua tìm hiểu thấy loại cây này có giá trị kinh tế rất lớn, nên 6 năm trước tôi vào TP Hồ Chí Minh liên hệ mua cây giống về trồng (30.000 đồng/cây). Để lấy nước tưới cho cây trồng ở trang trại, tôi đã đầu tư làm hệ thống dẫn nước tự chảy từ núi cao về. Nước tự nhiên nhưng tôi vẫn tiết kiệm tưới bằng hệ thống béc tưới phun sương, hơn nữa tưới kiểu này rừng cây phát triển rất đều. Cứ đều đều như thế này, đến năm thứ 14 tôi sẽ thu hoạch rừng trắc. Giá gỗ trắc đỏ hiện vào khoảng 500 triệu đồng/m3, theo tính toán của tôi trồng cây gỗ quý có lợi hơn nhiều so với trồng keo lai, bạch đàn. Sắp tới đây, khi thu hoạch bạch đàn, keo lai tôi sẽ trồng thêm nhiều trắc đỏ.
Ông Trần Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú, nhận xét: Do thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch các loại cây gỗ quý như trắc đỏ khá dài, nên ở địa phương chưa ai mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, cách lấy ngắn nuôi dài như anh Hữu đã gợi lên một lối đi có lý. Chúng tôi rất hy vọng nhà nước sẽ quan tâm hỗ trợ để người dân trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý.
ĐÀO MINH TRUNG