Bạo lực trong giới trẻ - SOS !
Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, song những người liên quan, đa phần là người trẻ lại không tìm cách tháo gỡ vấn đề một cách thiện chí, mà dùng bạo lực, hung khí nguy hiểm để giải quyết, gây ra bao hệ lụy.
Manh động, liều lĩnh
Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong mối quan hệ bạn bè nhưng Nguyễn Tây (SN 1996, xã Phước An, huyện Tuy Phước) đã kích động trên 50 thanh thiếu niên của 2 nhóm tham gia đánh nhau bằng những hung khí nguy hiểm như mã tấu, phảng, bom xăng. Vụ việc được CA xã Phước An ngăn chặn kịp thời, song với việc thu giữ 11 cây phảng, 1 vỏ chai bia bên trong có chứa xăng, 1 vỏ đạn súng hoa cải và 1 ô tô tại hiện trường cho thấy sự bất chấp pháp luật của nhóm thanh thiếu niên này. “Với những hung khí mà Tây và các đối tượng sử dụng để giải quyết mâu thuẫn cho thấy bọn chúng rất manh động, liều lĩnh và coi thường mạng sống của người khác. Và với hành vi này, ngày 2.7 vừa qua, cơ quan điều tra CA huyện Tuy Phước đã tiến hành tạm giam 2 tháng đối với Tây về hành vi gây rối trật tự công cộng”, trung tá Trương Quốc Sỹ, Trưởng CA xã Phước An, cho biết.
Trước đó, bị can Phạm Ngọc Vũ (SN 2001, huyện Phù Mỹ) cùng một số đối tượng sử dụng súng rulo để giải quyết mâu thuẫn với một số đối tượng ở TP Quy Nhơn. Vụ việc được phát hiện sớm nên đã ngăn chặn kịp thời được hậu quả. Tuy vậy, cũng có không ít vụ việc để lại hậu quả hết sức nặng nề, như vụ án giết người do Đặng Quang Hùng (SN 1985) cùng đồng bọn gây ra tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước vào cuối tháng 3 vừa qua. Vụ việc cũng khiến dư luận xôn xao vì sự côn đồ, manh động và hành vi truy đuổi đánh, chém hòng tước đoạt mạng sống của người khác đến cùng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân của loại án này xuất phát từ việc ăn nhậu, gây mâu thuẫn, hiềm khích rồi rủ rê bạn bè sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho đối phương… “Điểm chung của loại án này là manh động, diễn ra nhanh, bất ngờ. Và trong mỗi vụ án có thể chỉ 1 nạn nhân bị giết và vài người khác bị thương nhưng các đối tượng gây án đều bị khởi tố, điều tra chung về tội danh giết người, thậm chí có vụ còn có tình tiết tăng nặng là giết nhiều người. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có những quy định xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”, ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh, phân tích.
Kiên quyết trấn áp, xử lý nghiêm
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 422 vụ/803 bị can, tăng 133 vụ/275 bị can. Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội, khởi tố mới 169 vụ/424 bị can, tăng 48 vụ/163 bị can so với cùng kỳ. Đáng nói, một số tội khởi tố nhiều như giết người 9 vụ/11 bị can; vô ý làm chết người 5 vụ/5 bị can; cố ý gây thương tích 42 vụ/90 bị can; gây rối trật tự công cộng 5 vụ/51 bị can. Các đối tượng phạm tội chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 35, có khi là bạn bè, người thân với bị hại; có khi không quen biết và mâu thuẫn phát sinh từ bàn nhậu hoặc trong cuộc sống hằng ngày. Đơn cử như diễn biến phiên xử sơ thẩm vụ án giết người đối với bị cáo Nguyễn Thành Thuận (SN 1994, huyện Phù Mỹ) mà TAND tỉnh tổ chức mới đây, một lần nữa cho thấy nếu sự hung hăng được dừng lại đúng lúc thì hậu quả người chết, người phải lãnh 7 năm tù giam đã không xảy ra. Bị cáo Thuận đã từng bộc lộ với hội đồng xét xử: “Việc bị cáo dùng dao đâm nhiều nhát vào người Phước là sai, bị cáo ân hận lắm, nhưng nếu như lúc đó Phước không cố tình truy đuổi, xô đẩy và đánh bị cáo trước thì bị cáo cũng không tự nhiên ra tay. Bị cáo thật sự không cố ý!”.
Từ đây có thể thấy, trong các vụ việc xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác, các đối tượng thường manh động và hành động mang tính bộc phát... Do đó, để ngăn ngừa tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho rằng phải sớm phát hiện, giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở. “Hiện các phòng nghiệp vụ CA tỉnh và CA các huyện, thị xã, thành phố đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, CA các địa phương duy trì tuần tra, kiểm soát tại các khu dân cư, lưu ý những địa bàn phức tạp; gọi hỏi, răn đe những thành phần bất hảo; kiểm tra đột xuất phương tiện, thu hồi dao, kiếm, mã tấu... nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tội cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người”.
Trong một phiên tòa xử bị cáo giết người ở độ tuổi thanh niên mà tôi có dịp tham dự gần đây, kiểm sát viên Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu thực trạng chung và phân tích: “Tính chất bạo lực, côn đồ trong hành vi của giới trẻ hiện nay trở nên phổ biến. Các thanh thiếu niên hành xử một cách bạo lực mà không cần suy nghĩ tới hậu quả, đến khi xảy ra cớ sự, bản thân, gia đình mới giật mình thì chuyện cũng đã rồi”.
KIỀU ANH