Lung linh nét xưa
Trong những ngày cuối tháng Chạp và đầu năm Giáp Ngọ, tại TP Quy Nhơn, lần đầu tiên Trung tâm VH- TT- TT thành phố tổ chức các hội thi, liên hoan “dựng cây nêu đón Tết cổ truyền”, “Múa lân, sư, rồng”, “Diễn xướng bài chòi cổ dân gian” và đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ công chúng. Thành công ngoài mong đợi của hội thi, liên hoan, bởi chính ngay vẻ đẹp lung linh nét xưa của các nội dung này. Và đó cũng là một phần hồn cốt dân tộc, hồn cốt quê hương.
1.
Cây nêu có thể không lạ với những vị lớn tuổi dịp Tết Nguyên đán nhưng với lớp trung niên, lớp trẻ hẳn chưa mấy phổ biến. Nhiều người biết “thịt mỡ dưa hành câu đối tết/ cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Xa hơn, những bậc chữ nghĩa nào cũng biết “Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế/ đào phù vạn hộ nhạ tân xuân”. Câu sau sau này thường được viết chữ “khánh” thay chữ “nhạ”. Nghĩa là, pháo tre đùng một tiếng xua đi khí/ năm/ tuổi cũ, bùa đào vạn nhà mừng năm mới.
Vấn đề chính ở chữ “đào phù”. Theo một số nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm, đào phù là bùa bằng gỗ đào dán hình hai ông thần: Thần Đồ và Uất Lũy (người Việt gọi chung là Môn thần) treo trước cổng cốt chặn ma quỷ. Về sau, các bậc chữ nghĩa còn kết hợp treo câu đối tết (tức xuân liên), câu đối thường có nội dung cầu ước năm mới tốt đẹp mọi mặt. Vậy là “đào phù” và “xuân liên” song hành theo nghĩa “tống cựu nghênh xuân”, xua trừ những tà ác, hy vọng những tốt lành.
Nhưng khi “đào phù” gắn với cây nêu, theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, thì chỉ đơn giản là lá bùa màu đỏ. Người viết bài này từng vài lần thấy cây nêu ở quê mình, và quả đúng, trong giỏ tre có giấy điều chữ Hán mực xạ, hỏi mới biết chỉ mấy ông thầy chùa hay thầy pháp biết viết chữ này. Có thể là tên hai vị Môn thần kể trên. Trong giỏ tre còn có túm gạo, túm muối, trầu cau…, một biểu tượng của cầu ước đơn giản. Bên giỏ tre là bùa “tứ tung ngũ hoành”, một phát triển của bùa Đạo giáo cũng có ý trừ yểm tà ma. Thực ra chỉ là vỉ tre, 4 dọc, 5 ngang. Ông bà trước đây còn trang trí bốn thanh dọc phần đầu thừa ra ngoài vỉ, chẻ tưa và uốn cong như kiểu hoa tre, đũa tre mâm cúng người chết. Nhiều thay đổi theo từng vùng miền suốt từ Bắc chí Nam về cây nêu từ “Sự tích cây nêu” trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi mang màu sắc Phật thoại đến câu đối được ghi lại từ thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên có chữ “đào phù” và truyền thống “xuân liên”- câu đối Tết, nhưng chắc rằng, cây nêu tết cổ truyền là nét văn hóa đặc sắc chỉ có của dân tộc Việt mà không quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo nào có.
Ý nghĩa trừ tà, thông thiên đất trời, cầu ước đã rõ. Cây nêu xưa thường trang trí câu đối, có bệ đặt ngọn đèn dầu phộng, khánh đất. Ngọn đèn chiều tối mới đốt, khánh đất ban ngày gió rung khua, âm thanh và ánh sáng vừa xua ma quỷ vừa mời đón ông bà tết về với con cháu.
Mỗi vùng một khác nhưng cây nêu Bình Định với những nét trang trí đã kể. Quan trọng nhất là cây tre. Ba tôi kể, chiều 30 tết rủ nhau đi khắp làng, coi cây nêu nhà nào cao nhất, trang trí đẹp nhất. Cây tre chính là bí mật của từng nhà: trước đó cả tháng, các gia chủ đến vườn tre, chọn cây tre đủ lá, cao to, suôn đẹp lóng mắt, trả tiền khá cao. Khi mọi vật trang trí cây nêu đã chuẩn bị sẵn, ngày cuối năm mới đốn tre về dựng. Tre đủ lá nhựa rất sung, cho nước tre “trúc lịch” vừa bổ dưỡng vừa hạ đờm cho những người già lao phổi. Đào hố chôn có khi đổ nước tăng độ ẩm, mồng ba, mồng năm thăm nhau thấy ngọn nêu còn xanh lá, hãnh diện lắm!
Năm nay, hội thi “Dựng cây nêu đón Tết cổ truyền” của TP Quy Nhơn đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của 13 đơn vị. Đã có những cây nêu đẹp trang trí theo gợi ý của Ban tổ chức. Đã có những thuyết minh sáng tạo về cây nêu, cây tre. Và cũng có những trang trí chưa phù hợp. Nhưng có thể khẳng định, dãy cây nêu ở sân cỏ phía đông đường Nguyễn Tất Thành là một nét đẹp cho thành phố Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
2.
Liên hoan “Lân, Sư, Rồng” lần thứ nhất tối mồng 4 Tết Giáp Ngọ ở Tượng đài Chiến thắng cũng được sự chào đón nồng nhiệt của công chúng. 8 đơn vị, CLB tham gia thì vài đơn vị bên cạnh múa lân, có múa sư, múa rồng, múa trên Mai hoa thung. Một số CLB như: Kỳ Hoàn, Thiên Long, Minh Phước Đường khiến công chúng mãn nhãn. Nhưng cần nói, dù được Ban tổ chức hướng dẫn tỉ mỉ ý nghĩa “ông địa” dạy Lân, thuần phục lân thành linh vật lành hiền ăn cỏ, phần đông các “ông địa” không thể hiện được vai trò quan trọng của mình. Thậm chí, có CLB “sáng tạo” hai “ông địa” tán tỉnh nhau, tặng hoa, sử dụng máy tính bảng, hôn gió với khán giả… rất phản cảm. Múa sư tử dù chưa nhiều đơn vị tham gia nhưng đã giới thiệu đến công chúng cách luyện sư bằng quả cầu, múa võ… Cũng là nét đẹp đáng lưu tâm.
Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng VH- TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT thành phố, cho biết lần 2 Liên hoan “Lân, Sư, Rồng” có thể mở rộng thành phần tham gia đến các huyện. Ý tưởng này rất đáng quan tâm vì người viết bài từng xem múa lân ở An Thái, An Nhơn, đất võ nổi tiếng, và thán phục từng vũ đạo lân, những người múa chắc chắn đều học võ. Nét đẹp “Lân, Sư, Rồng” luôn được sự chào đón nồng nhiệt của công chúng dịp lễ, hội, và tết đến, xuân về với ý nghĩa chúc phúc.
3.
"Có thể khẳng định, dãy cây nêu ở sân cỏ phía đông đường Nguyễn Tất Thành là một nét đẹp cho thành phố Tết Nguyên đán Giáp Ngọ"
Hội thi “Diễn xướng bài chòi cổ dân gian” được tổ chức lần đầu có 10 đơn vị tham gia. Đã có sự chuẩn bị chu đáo của Trung tâm VH-TT-TT thành phố qua những tập huấn, câu thai… nhưng ngoài sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị, cũng cần thời gian để vẻ đẹp trò chơi bài chòi cổ lấp lánh xuống cùng thôn xóm. Trừ hai đơn vị Nhơn Châu, Nhơn Hải, các phường, xã còn lại khá non nớt khi thể hiện các câu thai, nhịp hô. Thậm chí còn sai lệch nhạc bài chòi. Nhưng hội thi đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng trong vùng không gian cây nêu. Nét đẹp độc đáo của trò chơi bài chòi cổ đang được tỉnh Bình Định hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Văn hóa phi vật thể, đã được phục dựng nhiều năm qua, cả trình diễn ở Hà Nội, Sài Gòn.
Bình Định hiện có những nghệ sĩ hô bài chòi tài năng: Minh Đức, Lâm Tới, Hoàng Việt… và nhà nghiên cứu am tường và tâm huyết Nguyễn An Pha. Trò chơi với những câu thai vần vè răn điều tốt, phê phán thói tật xấu vốn đã hấp dẫn theo ứng biến thông minh của các “hiệu”, lại thêm cách tung hứng bằng những dàn dẫn cho chuyện có đầu có đuôi trước khi hô, ai một lần thưởng thức không thể không mê đắm. Ông Lê Ngọc Anh có văn bản đề xuất duy trì hoạt động hấp dẫn này không chỉ hết tháng Giêng mà cả những ngày cuối tuần trong năm. Đề xuất này có cơ sở khi Bình Định có nhiều nghệ nhân tài năng, và nhất là được công chúng ủng hộ nồng nhiệt.
LÊ HOÀI LƯƠNG