“Bắt bệnh” cháy bìa lá lúa và cách phòng trừ
Vụ Hè Thu 2021, toàn tỉnh gieo sạ hơn 41.300 ha lúa. Trong đó, lúa Hè 7.500 ha, lúa Thu 33.800 ha. Hiện hơn 80% lúa Hè Thu đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ và cũng là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu, bệnh hại. Trong các bệnh hại cây lúa thì bệnh cháy bìa lá (thường gọi là bệnh bạc lá) do vi khuẩn Xanhthomonas oryzae gây nên, thường gây hại nặng ở giai đoạn cây lúa làm đòng đến trổ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa nên bà con nông dân cần phải phát hiện bệnh này sớm nhất có thể để có biện pháp phòng trừ hợp lý.
Để phòng, chống bệnh cháy bìa lá lúa bà con nông dân cần phải kiểm tra ruộng thường xuyên, “bắt bệnh” sớm nhất có thể để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Vi khuẩn Xanhthomonas gây ra hiện tượng khô dần từ bìa và chóp lá lúa của bộ lá đòng làm cho hạt lúa lép lửng, bông lúa không thể “cúi đầu” ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng lúa.
Ở vụ Hè Thu, sau những cơn mưa giông đầu mùa, kèm theo gió lớn vào thời kỳ lúa làm đòng đến trổ là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh lây lan nhanh, gây hại nặng trên các giống mẫn cảm, những chân ruộng sâu, ruộng bón thừa đạm… Khi độ ẩm không khí ≥ 90%, nhiệt độ 26 - 30oC, thời tiết âm u, mưa kèm theo gió mạnh thì vi khuẩn Xanhthomonas oryzae phát sinh mạnh gây hại cho cây lúa. Để sớm “bắt được bệnh” bà con nên thăm đồng thường xuyên và chú ý những khoảnh lúa có màu lá xanh đậm hơn (do thừa đạm) gần bờ, chỗ trũng, vùng lúa bị bệnh bạc lá từ vụ trước… đó là những chỗ mà bệnh bạc lá xuất hiện đầu tiên.
Khi phát hiện cây lúa có triệu chứng bị nhiễm bệnh bạc lá do vi khuẩn phát sinh gây hại thì ngưng ngay việc bón phân đạm và các loại phân bón qua lá, tiến hành tháo nước trên ruộng và phun thuốc. Theo kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất qua nhiều năm, chúng tôi thấy dùng thuốc Staner 20WP đặc trị vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá lúa sẽ ức chế được sự phát sinh của vi khuẩn Xanhthomonas oryzae, ngăn chặn ngay sự lây lan của vết bệnh trên lá lúa; có thể hỗn hợp 40 g thuốc Staner 20WP với một trong các loại thuốc như Anvil 5SC (75 - 100 ml) hoặc Nevo 330EC (30 ml) hoặc Amistar Top 325SC (30 ml) pha với 32 lít nước phun cho 1 sào (500 m2) để kết hợp phòng trị một số bệnh như thối thân thối gốc, đốm vằn… do nấm gây hại. Phun thuốc 2 lần: Lần 1 phun phòng khi lúa làm đòng; phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ đều để duy trì hiệu lực của thuốc.
Cần lưu ý, trước khi phun thuốc phải rút cạn nước trong ruộng; sau khi phun thuốc 1 ngày, có thể cho nước vào ruộng trở lại; phun thuốc vào buổi sáng sớm khi lá lúa đã ráo sương hoặc vào buổi chiều tối; việc phun thuốc phải đúng kỹ thuật mới đạt hiệu quả cao.
ĐINH VĂN TOẠI